Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Nghìn năm canh cửi

 Từ vùng đất thép Thái Nguyên, tôi tìm đường về Vạn Phúc, làng lụa nghìn năm ở quận Hà Đông (Hà Nội), lòng mang theo câu hát của Ngô Thụy Miên: "Em ở đâu hỡi mùa Thu tóc ngắn/ Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông". 

  

Vâng! Cái màu lụa đã trải qua bao đời người, vẫn mềm, mịn, mát và từ nhiều thời nay, lụa Vạn Phúc được người sành thời trang ví là vua của các loại vải mặc.

Ông Phạm Khắc Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt lụa Vạn Phúc tự hào kể cho tôi nghe: Tương truyền: Nghề dệt lụa Vạn Phúc có từ hơn 1000 năm nay. Tổ sư nghề là bà Lã Thị Nga, dòng dõi Hùng Vương truyền dạy cho dân. Cũng từ độ ấy, bên triền dòng Nhuệ giang dầy phù sa xanh bời cây dâu, trong làng mạc nghe rào rào tằm ăn rỗi.

Như tằm chín, dứt ruột nhả tơ, người Vạn Phúc cần cù, khéo léo, bền bỉ đời trước, đời sau, gắn bó với khung dệt để hiến dâng cho cuộc đời từng vuông vải mang nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Cụ Đặng Văn Hữu, hơn 80 tuổi, người làng Vạn Phúc tự hào: Đã là người Vạn Phúc, thì nam, phụ, lão, ấu đều thuộc nằm lòng các tích truyền kì về làng, kể từ việc vị tổ sư về đây dạy cho người dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải đến chuyện các đời vua nhà Nguyễn chọn vải lụa của làng để may quốc phục. Không dừng lại, năm 1931, người Vạn Phúc đã mang vải lụa của mình đến hội chợ quốc tế Maseille (Pháp). 7 năm sau (1938), người Vạn Phúc lần nữa mang những sản phẩm tinh tế được thực hiện trên khung dệt thô sơ đến Pari, thủ đô nước Pháp. Cả 2 lần "mang chuông đi đấm xứ người", lụa Vạn Phúc đều reo được tiếng vang trong dư âm bạn bè quốc tế.


  Du khách Châu Âu rất thích thú với sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc  

Nhìn những khung dệt được thiết kế giản đơn, kiểu cổ xưa, như: Con cò; chận dậm tay thoi; tay giật tay thoi, Jhon Abidals,một du khách quốc tịch Pháp về thăm làng nghề không khỏi ngạc nhiên. Ông nói tiếng Việt giọng lơ lớ, hồn hậu: Bằng những cái máy thô sơ như thế này, vậy mà người Việt Nam lại làm ra được sản phẩm vải đệp mê hồn… Ông đến Việt Nam lần đầu, nhìn cái gì cũng mắt tròn, mắt dẹt vì ngạc nhiên. Còn cụ Nguyễn Ngọc Hướng, hơn 80 tuổi từ Thanh Trì về tham quan cứ trầm ngâm, như chiêm nghiệm về cái vòng tuần hoàn của đời tằm.

Về Vạn Phúc, hào hứng nhất vẫn là các bà, các chị, thấy lụa thì "lăn xả vào", xem, ngắm, mà cả. Tại cửa hàng bán lụa của gia đình ông bà Thắng - Thủy, Bà Nguyễn Thị Hương (T.P Hồ Chí Minh), sau khi cầm tấm lụa trà nhẹ lên mặt, ngẫm nghĩ một hồi, bà bảo: Mịn quá, mát quá, cảm giác giống cái gì nhỉ? À, phải rồi, giống như da em bé…

Vào khu Đền phường Cửi, trung tâm sản xuất và giới thiệu các sản phẩm hàng tơ lụa Vạn Phúc, tuy đang bận rộn giới thiệu cho du khách trong, ngoài nước về sản phẩm quê hương, song khi được hỏi, chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên ở đây niềm nở: Từ nhiều năm nay, làng tôi trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, mua sắm. Làng vì thế quanh năm vui như ngày hội. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho chúng tôi biết thêm: Địa phương mới tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch làng nghề từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng. Vui lắm, dân Vạn Phúc được đón tiếp bạn bè trên khắp các châu lục.


  Chợ lụa Vạn Phúc ngày nào cũng tấp nập bước chân du khách  

Từ nhiều năm nay, người Vạn Phục thành thục với nghề cửi canh, thì đồng thời hoạt bát với nghề buôn bán, song ở đây người dân không bị ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, con người sống thân thiện, gần gũi và dễ mến. Một vinh dự với làng, trung tuần tháng 3 năm nay, các nước Đông - Nam Á đã hội tụ tại Thái Nguyên để cùng làm một Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống. Trong thời gian diễn ra Hội thảo, hàng trăm nghệ nhân nghề dệt của 10 nước trong khối ASEAN và các nước đối thoại: Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ đã về Vạn Phúc, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân của làng. Nghệ nhân các nước bạn: Indonesia, Philippin, Lào, Campuchia, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Singapore, Myanma… khi được đi thăm quan, đều rất chú ý tới công nghệ dệt vải của người Vạn Phúc, như cấu trúc khung dệt truyền thống toàn bộ làm bằng sức người, khung dệt hiện đại (cơ khí) giảm bớt sức lao động, nhân công.

Điều nghệ nhân nước bạn quan tâm hơn là nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc đã thực hiện thao tác trong quá trình dệt như thế nào để làm ra được sản phẩm đẹp, bền, sang trọng. Bà Aloonsa, nghệ nhân dệt Indonesia có so sánh: Ở nước tôi có vải Batick, sản phẩm dệt truyền thống chinh phục nhiều thị trường trên thế giới, thì ở Việt Nam có vải lụa Vạn Phúc.


  Nghệ nhân dệt các nước ASEAN với sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc  

Giữa rực rỡ sắc màu của làng tằm tơ, chúng tôi bước chân vào thăm cơ sở dệt truyền thống Triệu Văn Mão từ khi nào không hay. Chủ nhân cơ sở là ông Triệu Văn Hòa cho biết: Tôi là con trai của cụ Mão. Cụ đã khuất núi, song chúng tôi - con cháu cụ vẫn duy trì nghề canh cửi, giống như ngày xưa cụ thân sinh ra tôi nối nghiệp tổ tiên… Bên hiên nhà, bà Nguyễn Thị Tâm, vợ ông Mão đáng hí húi cho tằm ăn cũng góp chuyện với chồng: Hơn 40 năm về làm con dâu cụ, là bấy nhiêu năm tôi gắn bó với khung cửi.

Trong lúc trò chuyện với khách, giàn guồng sợi của cơ sở Triệu Văn Mão vẫn quay tít, hơn hai chục máy dệt không ngừng tiếng thoi đưa. Các nghệ nhân Sito Norkhalbi Haji Wahsalfelas (Brunei), Pich Sopheap (Cam - Pu - Chia), Mitsugu Shirai (Nhật Bản) và rất nhiều nghệ nhân của các nước Đông - Nam Á đến đây cũng rất đỗi tự hào về sản phẩm dệt của quốc gia mình, song khi về Vạn Phúc, đứng trước các guồng sợi, máy dệt và quầy vải, ai cũng mải nhìn ngắm không muốn rời.

Tôi cũng thế, từng bước chân nấn ná bởi câu hát của chàng trai từ miền đất phương Nam: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông" (Ngô Thụy Miên). Lụa của làng đi vào thi ca, và cũng như kiếp con người, hứng đủ ái, ố, hỉ, nộ. Dù một thời vải lụa Vạn Phúc chỉ vua chúa mới được mặc, song cũng có đận người làng lụa xếp khung cửi vào góc nhà, kệ cho bụi phủ mà rủ nhau tứ tán mưu sinh. Phải đến những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, làng lụa Vạn Phúc như cô thôn nữ thức giấc, bên triền dòng Nhuệ giang, từng bãi dâu thấp thoáng bóng người thu hái, tiếng thoi lại thâu đêm để làm ra những thước vải đẹp mê hoặc lòng người, chủ yếu là hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất. Ông Phạm Khắc Hà cho biết thêm: Hiện Làng Vạn Phúc có hơn 200 hộ tham gia làm nghề dệt, với 250 máy, nhiều nhất là gia đình ông Đỗ Văn Hiếu có 24 máy dệt, mỗi năm người Vạn Phúc làm ra khoảng 2 triệu m vải các loại, cả khổ rộng 90 cm và khổ rộng 80 cm, trong đó có 1,5 triệu m vải tơ tằm, tương đương với số tiền gần 20 tỉ đồng.


  Ông Phạm Khắc Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt lụa Vạn Phúc tự hào với sản phẩm lụa của quê nhà  

Rời Vạn Phúc để trở về Thái Nguyên, nơi diễn ra Hội thảo thế giới về nghề dệt truyền thống, trong tôi - tiếng thoi đưa của làng Vạn Phúc như khắc vào tâm hồn một dấu ấn không bao giờ quên. Bởi tôi nghĩ, lụa Vạn Phúc từ nghìn năm rồi đã là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Và cả ngay bây giờ, khi ngành dệt trên thế giới đã có những cỗ máy hiện đại, điều khiển đường tơ, đường thoi bằng máy vi tính, 1 giờ có thể sản xuất ra hàng trăm mét vải, nhưng lụa Vạn Phúc vẫn như cô giái đẹp, hiền dịu vì độ tinh xảo đến từng đường tơ, từng họa tiết trang trí, với những Sa, gấm, đũi, lụa hàng vân. Mỗi sản phẩm lại mang một vẻ đẹp riêng, với lụa hàng vân, nhìn vào vuông vải thấy như có mây vờn, rồng cuốn, biến hóa vô cùng trong sự liên tưởng của mỗi người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét