Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Đầu bếp huyền thoại Michel Roux dạy nấu ăn tại VN

 Với mục đích tổ chức một sự kiện cho giới ẩm thực trong nước, đầu bếp huyền thoại Pháp – Michel Roux sẽ đến InterContinental Danang Sun Peninsula Resort và trực tiếp đứng bếp dạy nấu ăn tại đây trong 2 buổi vào ngày 29/3 và 1/4/2013. 

  

Đối với thực khách đi du lịch Đà Nẵng nhân dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng thành phố cũng sẽ được thưởng thức thực đơn đặc biệt cho chính tay Vua bếp 3 sao Michel Roux sáng tạo.

Nhà hàng La Maison 1888 của Vua bếp Michel Roux chính thức khai trương từ ngày 22/12/2012 tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (bán đảo Sơn Trà- Đà Nẵng). Với kiến trúc tinh tế và sang trọng, nhà hàng La Maison 1888 sẽ mang lại cho du khách cảm giác thật thư thái và hài lòng, xứng danh là nhà hàng mang tầm cỡ thế giới.


Tư vấn du lịch bụi Malaysia

 Ngoài tòa tháp đôi cao nhất thế giới, Malaysia còn mê hoặc du khách những thánh đườngtrang nghiêm, bảo tàng Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á và hàng hiệu giá rẻ. 

Di chuyển

 Từ Việt Nam - Malaysia 

Có khá nhiều chuyến bay từ Hà Nội – Kuala Lumpur và Sài Gòn – Kuala Lumpur. Thời gian bay khoảng 2 giờ. Giá vé dao động từ 1 - 6 triệu/khứ hồi/đồng.

 Ở Malaysia 

Sân bay quốc tế Kuala Lumpur cách thành phố khoảng 50 km. Bạn có thể về trung tâm thành phố bằng 3 phương tiện: taxi, tàu hỏa và xe buýt. Giá của các phương tiện có sự chênh lệch khá cao.

Hệ thống giao thông công cộng ở Kuala Lumpur bao gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên cao (monorail), xe buýt và taxi.

 Lưu ý 

Nếu đi taxi, bạn phải mặc cả giá trước khi xe xuất phát (đồng hồ không chạy hay nếu có chạy thì rất nhanh), thông thường giá khoảng từ 30 – 50% mức đề xuất.

Malaysia chỉ lưu thông đồng RM, bạn nên đổi tiền trước khi đi, tỷ suất sẽ tốt hơn khi đổi tại sân bay, ngân hàng hay các trung tâm mua sắm tại đây.

Nên mua sắm bằng tiền mặt.

Luôn mang theo bản đồ, không đi một mình và ăn vận kín đáo.

Lake Green, lá phổi của Kuala Lumpur.

Thời gian đến

Bạn có thể đến Malaysia bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng nếu muốn du lịch kết hợp với mua sắm thì nên đến vào tháng 12. Đây là thời điểm giảm giá đến 80% của các thương hiệu thời trang nổi tiếng.

Lưu trú

Bạn nên đặt phòng trước qua các web đặt phòng uy tín như Asia Travel (trang đặt phòng khách sạn từ 2 sao trở lên) hay Hostel World, Agoda (trang đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ).

Khu phố Tàu - China town - và khu Bukit Bintang ở Kuala Lumpur có khá nhiều khách sạn và nhà nghỉ giá cho khách du lịch bình dân với mức giá vừa phải (khoảng 30-40 USD/đêm với khách sạn hoặc 10-20 USD/đêm với nhà nghỉ).

Mang theo những gì?

Bạn có thể mang bất kỳ trang phục nào mình muốn nhưng tốt nhất nên ăn vận kín đáo khi đi ra ngoài vào ban đêm hay đến các địa danh tôn giáo.

Mang dép bệt hay giày đế trệt để thuận tiện di chuyển.

Mang theo các loại thuốc trị bệnh thông thường.

Mang kem chống nắng, kem chống hay trị côn trùng.

Động Batu Caves

Ăn uống

Những món bạn nên thử là nasi lemak (cơm nấu nước cốt dừa ăn kèm cá, trứng ốp và lạc rang mặn), bakute (canh chân giò hầm), satay (thịt xiên nướng chấm nước sốt lạc, satay gà là loại dễ ăn nhất), rojak (rau củ trộn nước sốt ngọt). Món dễ ăn nhất là nasi goreng (cơm rang) hoặc mee goreng (mì xào). Thức uống đáng thử là nước quả lý chua (black currant) hay nước ô mai (sour plum).

Ngoài ra, nếu lo lắng, bạn có thể dùng bữa ở các quán ăn nhanh, hay nên mang theo ít thức ăn dự phòng.

Quà lưu niệm

Có rất nhiều thứ để bạn có thể mua làm quán lưu niệm tại Kuala Lumpur như những chiếc khăn choàng độc đáo, những cái đèn dầu, bàn ủi than, chén trà, trâm cài tóc của người Nyonya ở những thế kỉ trước, hoặc đến Pucuk Rebung Museum Gallery ở Suria Kuala LumpurCC để có những đồ cổ của Malaysia từ hàng ngàn năm trước. Ngoài ra, du khách cũng có thể mua những món hàng độc đáo như: li vại lớn, tượng chiêm tinh Trung Hoa, các loại trang sức kiểu Malaysia…

Thánh đường.

Quảng trường Mardeka

Bảo tàng nghệ thuật Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á

Địa điểm tham quan

Nổi bật nhất của du lịch Malaysia nói chung và Kuala Lumpur nói riêng chính là tháp đôi Petronas, hay Petronas Twin Towers một trong 5 cao ốc cao nhất thế giới, và là tòa tháp đôi cao nhất thế giới cho đến hiện nay (2009). Đến tòa tháp này, ngoài việc tham quan cây cầu trên không nối hai tòa tháp (mở cửa từ 8h30 sáng – 5h00 chiều từ thứ 3 – chủ nhật), mua sắm, bạn cũng có thể ghé thăm khu mua sắm Suria KLCC, Nhà hát Petronas, Trung tâm khoa học Petrosains, Khu trưng bày nghệ thuật Petronas và Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur, nằm bên trong tòa tháp.

Điểm tham quan tiếp theo là Lake Garden, lá phổi của Kuala Lumpur được bao phủ một màu xanh ngát của cây và hồ nước. Bên trong Vườn Hồ bao gồm Đài tưởng niệm quốc gia, vườn bướm, vườn chim, vườn nai… Hoạt động thú vị nhất tại đây là thưởng thức trà Anh bên bờ hồ vào buổi chiều.

Từ khu vực Lake Garden, bạn có thể đi bộ đến Thánh đường quốc gia, thánh đường lớn nhất Đông Nam Á, với kiến trúc độc đáo mang dấu ấn của nghệ thuật Hồi giáo; Bảo tàng Quốc gia (Muzium Negara), bảo tàng lớn nhất Malaysia, được khánh thành vào tháng 8/1963 để tìm hiểu và hình dung được cả quá trình phát triển của đất nước Malaysia về lịch sử lẫn văn hóa. Nơi đây còn có bảo tàng nghệ thuật Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á, với hơn 7.000 đồ tạo tác và một thư viện sách nghệ thuật Hồi Giáo độc đáo.

Hổ trong vườn thú Zoo Negara.

Nhà hát quốc gia Istana Budaya.

Công viên giải trí Theme Park

Nếu không thích ghé bảo tàng, từ Lake Garden, bạn có thể đi thẳng đến Zoo Negara, vườn thú quốc gia với những điểm tham quan gồm Akuarium Negara, vườn chim, khu bò sát, khu linh trưởng, Savannah Walk, vương quốc động vật có vú... Bạn cũng có thể tham gia tour ngắm thú đêm.

 Vườn quốc gia cách Kuala Lumpur 5km. Bạn có thể đi bộ hoặc đi xe điện bên trong. Vườn thú mở cửa từ 9h00 sáng – 5h00 chiều (các ngày trong tuần), 9h00 sáng – 10h30 tối (ngày cuối tuần và ngày lễ), lịch này có thể thay đổi mà không báo trước. 

Batu Caves, quảng trường Mardeca và nhà hát quốc gia Istana Budaya là 3 điểm tham quan tiếp theo mà bạn không nên bỏ qua khi đến đây.

Batu Caves là một đồi đá vôi nằm ở phía Bắc Kuala Lumpur, gồm 3 hang động chính, cùng vô số động nhỏ và đền thờ bên trong. Đây là nơi thờ phụng linh thiêng của người Hindu ở Malaysia. Có 272 bậc thang dẫn đến đền thờ trong động. Hoạt động nổi bật nhất tại đây là kỷ niệm lễ hội Thaipusam.

Quảng trường Mardeca còn được gọi là “Quảng trường Độc Lập”, đây là nơi thủ tướng đầu tiên của Malaysia – Tunku Abdul Rahman, tuyên bố Malaysia là một quốc gia độc lập vào ngày 31/8/1957. Thời gian tốt nhất để đến đây là vào buổi chiều.

Được xây dựng từ năm 1995 và hoàn thành vào tháng 9/1999, nhà hát quốc gia Istana Budaya là một trong 10 nhà hát hiện đại nhất thế giới. Istana Budaya (có nghĩa là “cung điện văn hóa”) có lối kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng của lối kiến trúc truyền thống Malaysia với tổng diện tích khoảng 54.000 m2, trong đó sảnh nhà hát rộng đến 21.000 m2.

 Từ trung tâm Kuala Lumpur, du khách có thể đến   Batu Caves bằng taxi hoặc đón xe buýt tại trạm Puduraya (cách China Town khoảng 100 km). 

 Quảng trường Merdeka cách chợ Trung tâm 5 phút đi bộ; đi xe điện Putra LRT đến chợ trung tâm Pasar Seni, sau đó rẽ trái qua sông. Quảng trường Merdeka nằm đối diện đèn đường giao thông tiếp theo. 

Kuala Lumpur về đêm.

Putrajaya, thành phố du lịch tiêu biểu của Malaysia, nổi tiếng với những công trình kiến trúc được quy hoạch hết sức thông minh.

Bên trong một trung tâm mua sắm ở Malaysia.

Mua sắm cũng là điểm nhấn của du lịch Malaysia, tại Kuala Lumpur bạn có thể ghé qua hàng loạt các trung tâm thương mại lớn như BB Plaza, Berjaya Times Square hay Mid Valley Megamall để "săn" cho mình những món hàng hiệu giá hời.

Với du khách ít tiền, China town với cách bố trí các gian hàng gần giống như các khu chợ trời ở Việt Nam cùng các loại mặt hàng phong phú với giá cả bình dân là lựa chọn không tồi. Song lưu ý, giá các món ở China town thường được người bán “hét” đến gấp 3-5 lần giá trị thực của nó.

Món Nasi Lemak.

Satay, món ăn "thân thiện" nhất đối với khẩu vị của du khách ở đất nước này.

An Huỳnh

Theo Infonet


Lan Phương thẳng tiến khi Lý Nhã Kỳ "làm giá" xin rút

 Không sợ tiềm lực kinh tế Lý Nhã Kỳ 

( ĐVO )-

  

Nếu như, Lý Nhã Kỳ xinh đẹp, nhiệt tình, mối quan hệ rộng rãi và đặc biệt có tiềm lực kinh tế vững mạnh thì Lan Phương cũng không kém phần xinh đẹp, với hình ảnh một diễn viên, MC nổi tiếng.

Chia sẻ về sức ép của mình khi đăng ký danh hiệu Đại sứ du lịch, Lan Phương nói: "Tôi không chịu bất kỳ sức ép nào. Có thể, tôi không có tiềm lực kinh tế như Lý Nhã Kỳ. Có thể, tôi không có những điều mà cô ấy có. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người sẽ có thế mạnh riêng của mình".

Lan Phương không sợ bất kì sức ép từ người khác

Không nghĩ đến những thế mạnh của người đi trước để tạo sức ép cho mình, đó là quan điểm của cô: "Tôi chỉ nghĩ, ai cũng có những điều để tôi học hỏi. Tôi học hỏi, tôi nỗ lực để cảm thấy rằng, mình có thể sẽ còn làm được tốt hơn".

Lan Phương tâm sự về niềm đam mê du lịch của mình, với cá nhân cô, du lịch là những chuyến đi chất chứa đầy những điều thú vị để ta có thể khám phá. Cô đã tham gia nhiều chuyến đi, đã tham gia nhiều cuộc giao lưu văn hóa, đã đứng trước bạn bè thế giới để quảng bá về đất nước Việt Nam.

Không những thế, cô đã từng là Đại sứ Hòa bình của Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản. Thêm nữa, cô khẳng định: "Tôi cũng nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ bạn bè mình, họ động viên tôi, cổ vũ tôi, để tôi thêm vững tin, nộp hồ sơ ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam".

 Ứng cử ngay khi Lý Nhã Kỳ "làm giá" xin rút  

Vì nộp hồ sơ ứng cử ngay sau khi Lý Nhã Kỳ gửi tâm thư xin rút khỏi danh sách đề cử danh hiệu Đại sứ du lịch năm nay, trước nhiều thông tin, Lan Phương phân trần: "Tôi đã từng nghĩ đến nhiều lần. Tuy nhiên, tôi không biết bắt đầu từ đâu, không biết thủ tục gửi hồ sơ như thế nào, danh sách đăng ký ra sao. Phần nữa vì quá bận, công việc cứ cuốn tôi đi, nên bao lần nghĩ đến rồi lại lỡ mất".

Lý Nhã Kỳ "làm giá" khi viết tâm thư xin rút khỏi danh sách ứng cử danh hiệu Đại sứ du lịch năm nay

Nhiều người thấy tiếc nuối, bởi ngoài tiềm lực kinh tế, mối quan hệ với các tỷ phú, cái tên Lý Nhã Kỳ còn đầy sức hấp dẫn với truyền thông. Còn Lan Phương chưa bao giờ là cái tên “nóng” trên báo chí, nên cô sẽ không đủ sức thuyết phục với dư luận để trở thành Đại sứ Du lịch.

Cô cho biết: "Tôi chưa bao giờ là người thích sự ồn ào. Tôi chỉ thích được làm những công việc mà mình say mê, và việc ứng cử để trở thành một Đại sứ Du lịch cũng không nằm ngoài mục đích này".

Để khẳng định lại niềm đam mê và mong muốn của mình khi đăng ký danh hiệu này, Lan Phương chia sẻ: "Tôi nghĩ, mỗi người có cách sống khác nhau, có cách làm việc khác nhau. Có nhiều con đường để đi đến thành công cuối cùng".

Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ làm đơn xin rút đại sứ du lịch 2013-2014 vào giai đoạn nước rút khiến không ít người ngỡ ngàng. Hai lý do mà cô diễn viên này đưa ra là bởi sức khỏe và những ồn ào, thị phi mà cô và bè bạn, người thân phải gánh chịu.

Trong thời gian làm Đại sứ du lịch, cô diễn viên kiêm doanh nhân này đã có một số đóng góp nhất định cho du lịch nước nhà như tuyên truyền, vận động góp phần vào việc Vịnh Hạ Long được công nhận là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, Hà Nội được đăng cai ASIAD 2019.

Chính vì vậy, khi nhận được thông tin Lý Nhã Kỳ mong muốn được tiếp tục đảm nhiệm vai trò Đại sứ du lịch một nhiệm kỳ nữa, nhiều người đã nhiệt tình ủng hộ. Có lẽ vì nhiệt tình ủng hộ nên khi nhận tin Lý Nhã Kỳ xin rút, nhiều người đã không khỏi thất vọng. Thế nhưng bình tĩnh lại thì Bộ VH-TT&DL nên ủng hộ việc xin rút của Lý Nhã Kỳ.

Bởi vì theo một số ý kiến, đây hoàn toàn có thể chỉ là một “chiêu trò”, “làm giá” của cô diễn viên, doanh nhân này khi nhận thấy ưu thế của mình so với các đối thủ khác đồng thời không loại trừ sự tính toán, cho rằng là giai đoạn nước rút, Bộ VH-TT-DL khó có sự lựa chọn khác. Nếu điều này là đúng thì rất nên ủng hộ Lý Nhã Kỳ bởi Đại sứ du lịch là một chức vụ nghiêm túc, có ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả quốc tế nên không được phép bày trò “làm giá” ở đây.

 Hoài Đan  (  Theo Dân Trí, Giadinh) 


Nghìn năm canh cửi

 Từ vùng đất thép Thái Nguyên, tôi tìm đường về Vạn Phúc, làng lụa nghìn năm ở quận Hà Đông (Hà Nội), lòng mang theo câu hát của Ngô Thụy Miên: "Em ở đâu hỡi mùa Thu tóc ngắn/ Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông". 

  

Vâng! Cái màu lụa đã trải qua bao đời người, vẫn mềm, mịn, mát và từ nhiều thời nay, lụa Vạn Phúc được người sành thời trang ví là vua của các loại vải mặc.

Ông Phạm Khắc Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt lụa Vạn Phúc tự hào kể cho tôi nghe: Tương truyền: Nghề dệt lụa Vạn Phúc có từ hơn 1000 năm nay. Tổ sư nghề là bà Lã Thị Nga, dòng dõi Hùng Vương truyền dạy cho dân. Cũng từ độ ấy, bên triền dòng Nhuệ giang dầy phù sa xanh bời cây dâu, trong làng mạc nghe rào rào tằm ăn rỗi.

Như tằm chín, dứt ruột nhả tơ, người Vạn Phúc cần cù, khéo léo, bền bỉ đời trước, đời sau, gắn bó với khung dệt để hiến dâng cho cuộc đời từng vuông vải mang nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Cụ Đặng Văn Hữu, hơn 80 tuổi, người làng Vạn Phúc tự hào: Đã là người Vạn Phúc, thì nam, phụ, lão, ấu đều thuộc nằm lòng các tích truyền kì về làng, kể từ việc vị tổ sư về đây dạy cho người dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải đến chuyện các đời vua nhà Nguyễn chọn vải lụa của làng để may quốc phục. Không dừng lại, năm 1931, người Vạn Phúc đã mang vải lụa của mình đến hội chợ quốc tế Maseille (Pháp). 7 năm sau (1938), người Vạn Phúc lần nữa mang những sản phẩm tinh tế được thực hiện trên khung dệt thô sơ đến Pari, thủ đô nước Pháp. Cả 2 lần "mang chuông đi đấm xứ người", lụa Vạn Phúc đều reo được tiếng vang trong dư âm bạn bè quốc tế.


  Du khách Châu Âu rất thích thú với sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc  

Nhìn những khung dệt được thiết kế giản đơn, kiểu cổ xưa, như: Con cò; chận dậm tay thoi; tay giật tay thoi, Jhon Abidals,một du khách quốc tịch Pháp về thăm làng nghề không khỏi ngạc nhiên. Ông nói tiếng Việt giọng lơ lớ, hồn hậu: Bằng những cái máy thô sơ như thế này, vậy mà người Việt Nam lại làm ra được sản phẩm vải đệp mê hồn… Ông đến Việt Nam lần đầu, nhìn cái gì cũng mắt tròn, mắt dẹt vì ngạc nhiên. Còn cụ Nguyễn Ngọc Hướng, hơn 80 tuổi từ Thanh Trì về tham quan cứ trầm ngâm, như chiêm nghiệm về cái vòng tuần hoàn của đời tằm.

Về Vạn Phúc, hào hứng nhất vẫn là các bà, các chị, thấy lụa thì "lăn xả vào", xem, ngắm, mà cả. Tại cửa hàng bán lụa của gia đình ông bà Thắng - Thủy, Bà Nguyễn Thị Hương (T.P Hồ Chí Minh), sau khi cầm tấm lụa trà nhẹ lên mặt, ngẫm nghĩ một hồi, bà bảo: Mịn quá, mát quá, cảm giác giống cái gì nhỉ? À, phải rồi, giống như da em bé…

Vào khu Đền phường Cửi, trung tâm sản xuất và giới thiệu các sản phẩm hàng tơ lụa Vạn Phúc, tuy đang bận rộn giới thiệu cho du khách trong, ngoài nước về sản phẩm quê hương, song khi được hỏi, chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên ở đây niềm nở: Từ nhiều năm nay, làng tôi trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, mua sắm. Làng vì thế quanh năm vui như ngày hội. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc cho chúng tôi biết thêm: Địa phương mới tổ chức Tuần Văn hóa, Du lịch làng nghề từ ngày 10 đến hết ngày 16 tháng Giêng. Vui lắm, dân Vạn Phúc được đón tiếp bạn bè trên khắp các châu lục.


  Chợ lụa Vạn Phúc ngày nào cũng tấp nập bước chân du khách  

Từ nhiều năm nay, người Vạn Phục thành thục với nghề cửi canh, thì đồng thời hoạt bát với nghề buôn bán, song ở đây người dân không bị ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, con người sống thân thiện, gần gũi và dễ mến. Một vinh dự với làng, trung tuần tháng 3 năm nay, các nước Đông - Nam Á đã hội tụ tại Thái Nguyên để cùng làm một Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống. Trong thời gian diễn ra Hội thảo, hàng trăm nghệ nhân nghề dệt của 10 nước trong khối ASEAN và các nước đối thoại: Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ đã về Vạn Phúc, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân của làng. Nghệ nhân các nước bạn: Indonesia, Philippin, Lào, Campuchia, Thái Lan, Brunei, Malaysia, Singapore, Myanma… khi được đi thăm quan, đều rất chú ý tới công nghệ dệt vải của người Vạn Phúc, như cấu trúc khung dệt truyền thống toàn bộ làm bằng sức người, khung dệt hiện đại (cơ khí) giảm bớt sức lao động, nhân công.

Điều nghệ nhân nước bạn quan tâm hơn là nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc đã thực hiện thao tác trong quá trình dệt như thế nào để làm ra được sản phẩm đẹp, bền, sang trọng. Bà Aloonsa, nghệ nhân dệt Indonesia có so sánh: Ở nước tôi có vải Batick, sản phẩm dệt truyền thống chinh phục nhiều thị trường trên thế giới, thì ở Việt Nam có vải lụa Vạn Phúc.


  Nghệ nhân dệt các nước ASEAN với sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc  

Giữa rực rỡ sắc màu của làng tằm tơ, chúng tôi bước chân vào thăm cơ sở dệt truyền thống Triệu Văn Mão từ khi nào không hay. Chủ nhân cơ sở là ông Triệu Văn Hòa cho biết: Tôi là con trai của cụ Mão. Cụ đã khuất núi, song chúng tôi - con cháu cụ vẫn duy trì nghề canh cửi, giống như ngày xưa cụ thân sinh ra tôi nối nghiệp tổ tiên… Bên hiên nhà, bà Nguyễn Thị Tâm, vợ ông Mão đáng hí húi cho tằm ăn cũng góp chuyện với chồng: Hơn 40 năm về làm con dâu cụ, là bấy nhiêu năm tôi gắn bó với khung cửi.

Trong lúc trò chuyện với khách, giàn guồng sợi của cơ sở Triệu Văn Mão vẫn quay tít, hơn hai chục máy dệt không ngừng tiếng thoi đưa. Các nghệ nhân Sito Norkhalbi Haji Wahsalfelas (Brunei), Pich Sopheap (Cam - Pu - Chia), Mitsugu Shirai (Nhật Bản) và rất nhiều nghệ nhân của các nước Đông - Nam Á đến đây cũng rất đỗi tự hào về sản phẩm dệt của quốc gia mình, song khi về Vạn Phúc, đứng trước các guồng sợi, máy dệt và quầy vải, ai cũng mải nhìn ngắm không muốn rời.

Tôi cũng thế, từng bước chân nấn ná bởi câu hát của chàng trai từ miền đất phương Nam: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông" (Ngô Thụy Miên). Lụa của làng đi vào thi ca, và cũng như kiếp con người, hứng đủ ái, ố, hỉ, nộ. Dù một thời vải lụa Vạn Phúc chỉ vua chúa mới được mặc, song cũng có đận người làng lụa xếp khung cửi vào góc nhà, kệ cho bụi phủ mà rủ nhau tứ tán mưu sinh. Phải đến những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, làng lụa Vạn Phúc như cô thôn nữ thức giấc, bên triền dòng Nhuệ giang, từng bãi dâu thấp thoáng bóng người thu hái, tiếng thoi lại thâu đêm để làm ra những thước vải đẹp mê hoặc lòng người, chủ yếu là hàng trơn, hàng khổ rộng, hàng tơ tằm nguyên chất. Ông Phạm Khắc Hà cho biết thêm: Hiện Làng Vạn Phúc có hơn 200 hộ tham gia làm nghề dệt, với 250 máy, nhiều nhất là gia đình ông Đỗ Văn Hiếu có 24 máy dệt, mỗi năm người Vạn Phúc làm ra khoảng 2 triệu m vải các loại, cả khổ rộng 90 cm và khổ rộng 80 cm, trong đó có 1,5 triệu m vải tơ tằm, tương đương với số tiền gần 20 tỉ đồng.


  Ông Phạm Khắc Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt lụa Vạn Phúc tự hào với sản phẩm lụa của quê nhà  

Rời Vạn Phúc để trở về Thái Nguyên, nơi diễn ra Hội thảo thế giới về nghề dệt truyền thống, trong tôi - tiếng thoi đưa của làng Vạn Phúc như khắc vào tâm hồn một dấu ấn không bao giờ quên. Bởi tôi nghĩ, lụa Vạn Phúc từ nghìn năm rồi đã là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Và cả ngay bây giờ, khi ngành dệt trên thế giới đã có những cỗ máy hiện đại, điều khiển đường tơ, đường thoi bằng máy vi tính, 1 giờ có thể sản xuất ra hàng trăm mét vải, nhưng lụa Vạn Phúc vẫn như cô giái đẹp, hiền dịu vì độ tinh xảo đến từng đường tơ, từng họa tiết trang trí, với những Sa, gấm, đũi, lụa hàng vân. Mỗi sản phẩm lại mang một vẻ đẹp riêng, với lụa hàng vân, nhìn vào vuông vải thấy như có mây vờn, rồng cuốn, biến hóa vô cùng trong sự liên tưởng của mỗi người.


Nâng cao giá trị của nghề dệt truyền thống

 Với chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối, mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống ASEAN”, trong 3 ngày từ 16 đến 18/3, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức chương trình Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV. 

  

Tham gia chương trình có gần 400 nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà sản xuất về dệt, thêu, nhuộm đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối thoại như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ... cùng với sự tham gia của 8 tỉnh, thành trong nước. Đây là một hoạt động thiết thực, kịp thời, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đồ vải, phát huy các kỹ thuật dệt, thúc đẩy sự sáng tạo mới trong nghề dệt truyền thống, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trên toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Ngân (Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam - Phó Ban tổ chức hội thảo) cho biết, hội thảo lần này sẽ giúp cho các nhà quản lý cùng các nhà chuyên môn biết trân trọng những giá trị của văn hóa nói chung và của nghề dệt nói riêng để từ đó nâng cao ý thức trong vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dệt. Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam quảng bá và giới thiệu các sản phẩm dệt truyền thống tới các nước trên thế giới.

Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống khu vực ASEAN được sáng lập và tổ chức đầu tiên bởi Hội dệt truyền thống Himpunan Wastraprema (In-đô-nê-xi-a) tại Thủ đô Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a vào tháng 12/2005. Tiếp đó, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a lần lượt đăng cai và trở thành chủ nhà của Hội thảo lần thứ II và III (vào tháng 2/2009 và tháng 3/2011). Trong 3 cuộc hội thảo này, các chuyên gia về nghề dệt, các nhà nghiên cứu, sinh viên và các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận và trao đổi về mục đích ủng hộ các nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt bản xứ, đặc biệt việc duy trì tổ chức các cuộc hội thảo luôn được coi là nền tảng bảo đảm bền vững cho sự tồn tại của nghề dệt truyền thống trong khu vực.

Hội thảo trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có quy mô lớn với nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học; triển lãm các sản phẩm dệt, thêu, nhuộm từ truyền thống đến đương đại; Trình diễn làng nghề và văn hóa làng nghề Việt Nam; Gala thời trang; Hội chợ trưng bày các sản phẩm nghề dệt may của các nước ASEAN và các nước đối thoại...

Điểm nhấn của chương trình là hội thảo mang hai chủ đề chính là “Từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp nhẹ” và “Bảo tồn, phát huy đồ dệt, thêu trong Bảo tàng” diễn ra trong ngày 17/3. Tại đây, các đại biểu đã cùng bàn bạc, thảo luận và đề ra những giải pháp đổi mới trong nghề dệt truyền thống. Đồng thời đưa ra định hướng trong việc đẩy mạnh, phát huy và bảo tồn nghề dệt truyền thống, mở rộng phạm vi hoạt động của Cộng đồng nghệ thuật dệt truyền thống ASEAN (ASEAN - TTAC).

Nhiều tham luận đã được trình bày tại hội thảo như: Di sản của nghề dệt ở Việt Nam - truyền thống, kế thừa và phát triển; Nghiên cứu về hệ thống hoa văn đối xứng trên Sarong Batic của người Ma-lai-xi-a; Từ cải thiện nghề dệt truyền thống đến việc mở ra con đường phát triển nghề dệt tại Cam-pu-chia; Đương đại hóa nghề dệt bản địa để phát triển bền vững của Ấn Độ; Nghề dệt truyền thống của người Thái trắng ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trong bối cảnh hội nhập; Nghề thêu và nghệ thuật thêu ở Việt Nam; Sản phẩm xơ ngô tiên tiến trong dệt vải Songket của Ma-lai-xi-a; Sự phát triển của dệt may Phuthai tại Thái Lan; Nghề dệt thủ công truyền thống của người In-đô-nê-xi-a...

Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản cho rằng tiếp cận và nhận diện nghề dệt may truyền thống và nghề dệt may hiện nay là một vấn đề cơ bản trên cả bình diện kinh tế và văn hóa, truyền thống và hiện đại...liên quan đến tầm văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế của các quốc gia thời mở cửa, hội nhập.

Quan sát nghề dệt may truyền thống và hiện đại chính là quan sát một vấn đề rất cơ bản của con người liên quan đến nhu cầu "mặc" và đồ dùng bằng vải khác của gia đình, cộng đồng, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong bối cảnh và sự chuyển đổi một cách toàn diện các yếu tố liên quan đến dệt, may từ "văn minh nông nghiệp" sang "văn minh công nghiệp". Có đại biểu cho rằng trong xã hội hiện đại, nghề dệt may sẽ phát triển không ngừng và kéo theo đó những ngành nghề liên quan khác như công nghiệp thời trang, thẩm mỹ công nghiệp...với sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, mỹ thuật... Song dù thế nào thì tính sáng tạo của nghề dệt may truyền thống - sản phẩm của văn minh "tiền công nghiệp" ở từng tộc người, quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu để bước vào tương lai.

Ông Sulaiman Abudul Ghani (Trưởng đoàn Malaixia) cho biết, đoàn Malaixia mang đến hội thảo những sản phẩm dệt đặc sắc của thủ đô Cua-la-lăm-pơ và những bang khác của Ma-lai-xi-a. Qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn lưu giữ và bảo tồn truyền thống nghề dệt cũng như quảng bá hình ảnh đất nước và con người Ma-lai-xi-a thông qua các sản phẩm dệt được giới thiệu ở đây”.

Hội thảo được tổ chức tại Thái Nguyên là một trong những hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá và mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Hội thảo cũng là minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em nói chung và nghề dệt, nhuộm, thêu nói riêng.

Đây cũng là một cơ hội tốt để mở rộng mạng lưới hợp tác với các bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nghề dệt truyền thống trong nước và khu vực, góp phần phát huy di sản văn hóa với các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, Hội thảo là dịp để quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của các tộc người Việt Nam, mở ra những cơ hội giao lưu, xúc tiến đầu tư và du lịch, mang lại lợi ích trực tiếp cho các cộng đồng và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần cho việc thúc đẩy thiết lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

Nghệ nhân H’Rêya Bdap, dân tộc Êđê ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc cho biết:“Tôirất vui khi được đến tham dự hội thảo, đây là cơ hội để chúng tôi được giao lưu, học hỏi và tiếp cận với các nghề dệt truyền thống của các địa phương và các nước ASEAN”

Đến với chương trình, du khách còn được tìm hiểu về nghề dệt và cách chế tạo trang phục theo từng chủ đề, từng thời kỳ và từng dân tộc như cách làm trang phục bằng vỏ cây, kéo tơ, nhuộm, se lanh, thêu… Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu về đồ vải truyền thống, các mẫu vải dệt, cách dệt vải của đồng bào dân tộc Tày - Nùng, cách dệt lanh và in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Mông, dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn, Thái, Mường... Ngoài ra, du khách còn được tham dự các trò chơi dân gian như: múa xòe, sạp của dân tộc Thái; múa rối nước; xay thóc, giã gạo; múa cồng chiêng Tây Nguyên; múa khèn của dân tộc Mông; xách nước qua cầu khỉ; bắt trạch trong chum; đẩy gậy; đánh yến… Thu hút người xem đông nhất là màn trình diễn thời trang của các người mẫu đến từ các nước ASEAN với những bộ sưu tập thể hiện trang phục truyền thống của 10 nước ASEAN, trang phục 54 dân tộc của Việt Nam, trang phục áo dài truyền thống... Mỗi trang phục mang một sắc thái riêng, kiểu dáng riêng, những đều thể hiện những giá trị văn hóa và nhân văn của mỗi tộc người, mỗi quốc gia, tương đồng và thống nhất trong nền văn hóa đa sắc màu ASEAN.

Chương trình khép lại với lễ bế mạc được tổ chức long trọng, đại diện nước chủ nhà Việt Nam đã trao biểu tượng cho đoàn Thái Lan là nước sẽ đăng cai tổ chức “Hội thảo quốc tế nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ V”. Chia tay với bạn bè các nước, ấn tượng về những tình cảm tốt đẹp, tấm lòng nồng ấm của người dân Thái Nguyên sẽ còn đọng lại trong lòng mỗi du khách về mảnh đất Thủ đô kháng chiến tươi đẹp.


Ảnh đẹp môi trường: Nước

 Nếu bạn nghĩ ảnh về môi trường chỉ đơn giản là ảnh thiên nhiên, ô nhiễm, động vật, thực vật... thì có lẽ hơi hẹp. Nó còn là cảnh quan và đời sống văn hóa, là hành vi của con người. 

  

Hãy cùng đồng hành với Thethaovanhoa.vn qua các bức ảnh môi trường do nhiều nhiếp ảnh gia thực hiện và chia sẻ trên các mạng xã hội để cảm nhận về môi trường sống của chúng ta:

Chiều Hồ Tây. Ảnh  Roger Nguyen 

Sóng nước Phú Quốc. Ảnh Ho Tay 

Tia nắng chiều. Ảnh Lan Tran 


Nơi đàn chim làm tổ. Ảnh Roger Nguyen 

  

Bức họa đồng quê. Ảnh  Duy Lalang 

Xử lý đầm tôm. Ảnh Duc Vien 

Biển vắng. Ảnh Roger Nguyen 

 M.T (Tổng hợp từ nhóm Environment Photography )


Lễ hội kỷ niệm 1973 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

 Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1973 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tổ chức ngày 17/3 (tức ngày 6/2 Âm lịch), tại đền thờ Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 


Đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự.

Lễ hội bắt đầu bằng màn truyền thống do Nhà hát Tuồng Trung ương thực hiện, tái hiện ý chí quật cường của hai nữ Vương, phất cao ngọn cờ chính nghĩa, đánh tan quân xâm lược Đông Hán; cũng như hào khí của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi.

Sau màn khai hội là lễ míttinh của các đại biểu, cơ quan dân chính Đảng, các đoàn thể, cán bộ và nhân dân. Lễ hội cũng dành hai giờ đồng hồ để thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng niệm Hai Bà Trưng. Đồng thời với thời gian này là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ lễ hội như biểu diễn võ dân tộc, thư pháp, chương trình biểu diễn văn nghệ.

Chiều cùng ngày là lễ dân hương của dân làng và các xã anh em có đền thờ Hai Bà Trưng: xã Mê Linh (huyện Mê Linh), xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), xã Phụng Công (huyện Văn Giang)…

Trước đó, ngày 16/3, lễ dâng hương và các hoạt động văn hóa, văn nghệ kỷ niệm 1973 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã được tổ chức tại miếu thờ Hai Bà Trưng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.

Ngày 18/3, lễ tạ của dân làng và khách thập phương.

Theo tục truyền, vào đời vua Lý Anh Tông, hai pho tượng đá của Hai Bà trôi theo sông Hồng dạt vào bãi Đồng Nhân và báo mộng cho đức vua. Nhà vua cho dựng đền thờ Hai Bà và thành thông lệ, dân làng lấy ngày 6/2 Âm lịch hàng năm (ngày hai pho tượng đá dạt về) làm lễ hội. Sau đó bãi lở, dân làng đã dời đền về vị trí như ngày nay./.


Minh Hằng uốn éo sexy, Phương Trinh được dân mạng TQ khen

 (Phunutoday) - Minh Hằng uốn éo sexy, Thanh Hằng lộ ảnh hiếm khi đăng quang, sao Hàn đổ bộ Việt Nam, Phương Trinh được cư dân mạng Trung Quốc khen...là những tin tức giải trí nổi bật ngày 18/3. 

Trong một sự kiện vừa diễn ra tại Hải Dương, Minh Hằng diện short siêu ngắn khoe chân thon.

Minh Hằng cũng không quên uốn éo khoe các động tác vũ đạo đẹp mắt mà mình đã dày công luyện tập.

Ngày 18/3, ê-kíp thực hiện chương trình Let's go dream team với sự góp mặt của các ngôi sao Hàn Quốc như Min Ho SHINee, Jia Miss A, Dong Jun ZE:A, diễn viên Park Jung Jae đã thực hiện những cảnh quay đầu tiên tại khu vực bể bơi tòa nhà Keangnam.

Trước đó, từ chiều và đêm qua, lần lượt các ca sĩ đã lặng lẽ đáp chuyến bay đến Hà Nội để tham gia buổi ghi hình này.

Địa điểm ghi hình được tiến hành tại khu bể bơi tầng 6 của tòa nhà Kangnam nên fan Việt rất khó tiếp cận các thần tượng. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ đã tìm cách đến đây và ngắm sao Hàn qua cửa kính.

Hai bức hình hiếm trong lễ đăng quang Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2002 vừa bất ngờ được chân dài hàng đầu Thanh Hằng cập nhật trên trang cá nhân của mình.

Và đây cũng là bước ngoặt mở sang một trang mới trong cuộc đời của cô người mẫu sinh năm 1983.

Mới đây, hình ảnh của Angela Phương Trinh xuất hiện trên một trang mạng của Trung Quốc đã khiến rất nhiều người bất ngờ. Đặc biệt, cư dân mạng Trung Quốc đã không ngần ngại dành cho người đẹp này những lời khen ngợi có cánh, thậm chí, có người còn khen Angela Phương Trinh có vẻ đẹp như siêu mẫu.

Ngoài ra, các trang mạng Trung Quốc còn lấy ảnh Angela Phương Trinh minh họa cho những bài báo nóng bỏng để câu khách

Dù giọng hát không mấy tiến bộ sau 4 tuần thi nhưng nhờ biết cách chăm chút cho phần dàn dựng tiết mục, đặc biệt là không ngại mặc hở và nhảy gợi cảm, Thanh Thúy đã nhận được điểm số cao để vững vàng đi tiếp trong cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo.

Thanh Thúy mặc quá gợi cảm

Lan Phương chia sẻ sau khi ứng cử vào chức đại sứ du lịch: "Tôi có mối quan hệ quen biết với một số quan chức nước ngoài qua những chuyến giao lưu văn hóa. Còn về anh em hay bạn bè là tỉ phú thì tôi không có. Nhưng làm Đại sứ Du lịch cần có anh em, bạn bè tỉ phú để làm gì? Tôi nghĩ quan trọng là năng lực của chính mình".

Còn về vấn đề tài chính, Lan Phương cho biết, đó là khó khăn của cô. "Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng không quan trọng vì Đại sứ Du lịch không cần phải có kim cương, tiền tỉ. Tiền bạc thì bao nhiêu là đủ? Tôi nghĩ quan trọng nhất là cái đầu. Cái đầu có thể giúp tôi có những chiến lược tốt cho ngành du lịch và vận động được các nhà tài trợ để quảng bá du lịch".


Lần đầu tiên đầu bếp huyền thoại Michel Roux dạy nấu ăn tại VN

 Ngày 18/3, tin từ khu du lịch nghỉ dưỡng 5 sao InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng) cho hay, từ 29/3 đến ngày 2/4 tới tại khu du lịch này, huyền thoại đầu bếp người Pháp Michel Roux sẽ lần đầu tiên trực tiếp đứng bếp dạy nấu ăn tại Việt Nam 

Huyền thoại đầu bếp Michel Roux trực tiếp hướng dẫn các đầu bếp người Việt tại nhà hàng La Maison 1888 trong khu du lịch 5 sao InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng) - Ảnh: HC

Đây thực sự là một tin vui lớn cho giới ẩm thực Việt Nam, bởi đầu bếp 3 sao Michelin - Michel Roux từng được Chính phủ Pháp trao giải thưởng Chevalier de la Légion d'Honneur và đoạt giải Meilleur Ouvrier de France cho hạng mục bánh ngọt năm 1976; được Chính phủ Anh trao giải thưởng OBE danh dự năm 2002 và được tôn vinh là một đầu bếp lừng danh thế giới và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Âu.

Phần lớn đầu bếp 3 sao Michelin nổi tiếng thế giới như Gordon Ramsay, Marco Pierre White, Luke Mangan và nhiều người khác đều do Michel Roux đào tạo. Ông cũng là tác giả viết sách ẩm thực chuyên nghiệp với 12 cuốn sách công thức nấu ăn đã bán được hơn 2 triệu bản. Ông thường xuyên xuất hiện trên BBC và nhiều chương trình truyền hình thực tế tại Anh, như Saturday Kitchen, Master Chef hay serie phim gia đình Roux nhiều tập, Legacy Roux và phim tài liệu Roux Scholarship gần đây.

Michel Roux cũng chính là tác giả của nhà hàng La Maison 1888 tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Tại đây, ông sẽ trực tiếp đứng bếp trong 2 buổi vào hai ngày 29/3 và 1/4. Đây cũng là lần đầu tiên huyền thoại đầu bếp lừng danh thế giới này trực tiếp đứng bếp dạy nấu ăn tại Việt Nam.

"Khi nhận lời chúng tôi để lần đầu tiên đến Việt Nam trực tiếp đứng bếp dạy nấu ăn tại nhà hàng La Maison 1888, huyền thoại đầu bếp Michel Roux bày tỏ hy vọng các đầu bếp Việt Nam cũng sẽ làm được như những đầu bếp đạt chuẩn Michelin ở Anh và nhiều nơi nổi tiếng khác trên thế giới.

- Chỉ với 3.780.000 đồng, học viên có cơ hội tìm hiểu bí quyết nấu ăn từ huyền thoại đầu bếp Michel Roux .

- Với 3.150.000 đồng, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức bữa tối do chính đầu bếp 3 sao Mechelin – Michel Roux sáng tạo, có cơ hội chụp ảnh và nhận quà tặng hấp dẫn và đầy bất ngờ từ ông.
Vui lòng gọi đến số (0511) 393 8888 hoặc email dining@icdanang.com để đặt bàn và biết thêm thông tin.

Ông cũng cho biết, nhân dịp này ông sẽ sáng tạo một thực đơn đặc biệt vào các tối 29 - 30/3 và 1/4 tại nhà hàng La Maison 1888 để phục vụ thực khách sành ăn cũng như giới ẩm thực trong nước và quốc tế" - ông Tony Marrinan, Tổng Giám đốc điều hành InterContinental Danang Sun Peninsula cho hay.

HẢI CHÂU


Về thăm Lễ hội Bạch Đằng (Quảng Ninh)

 Quảng Yên là một vùng quê có nhiều di tích lịch sử văn hóa và lễ hội. Mùa xuân này, nếu có dịp về TX Quảng Yên, du khách sẽ được tham gia rất nhiều lễ hội, như: Lễ hội Tiên Công, lễ hội Xuống Đồng… Và một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất của TX Quảng Yên sẽ được tổ chức vào mùng 8-3 âm lịch tới đây tại phường Yên Giang, đó là lễ hội Bạch Đằng... 


Năm nay, Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức quy mô hơn mọi năm. Bởi lễ hội không chỉ gắn với Lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288-2013) mà còn đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Bạch Đằng sẽ diễn ra vào ngày chính hội tại sân đền Trần Hưng Đạo.

Lễ hội Bạch Đằng gắn liền với Bạch Đằng giang, con sông đã chứng kiến chiến thắng lẫy lừng của quân dân Đại Việt thời Trần do Trần Hưng Đạo làm Tổng chỉ huy, đập tan giấc mộng xâm lược của kẻ thù hung hãn phương Bắc thế kỷ XIII (1288). Lễ hội được tổ chức hàng năm kỷ niệm chiến công xưa như ôn lại bài học ngời sáng để đời đời con cháu noi theo gương sáng của ông cha, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc thân yêu.

Lễ hội Bạch Đằng năm nay được chia làm 2 phần: Phần lễ: Tế lễ, tổ chức đại trai đàn cầu siêu cho các vong linh quân dân nhà Trần và cầu quốc thái dân an, lễ rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại. Đối với riêng phần hội, năm nay bao gồm rất nhiều hoạt động phong phú, ngoài các hoạt động văn nghệ, ca hát, còn có các trò chơi dân gian tổ chức tại các điểm di tích; đêm văn nghệ tại Bảo tàng Bạch Đằng và đặc biệt, vào mùng 7 và 8-3 âm lịch, giải đua thuyền chải truyền thống của các đội chải nam, chải nữ TX Quảng Yên sẽ diễn ra trên Bến đò cổ gợi lại không khí sôi động mà oanh liệt, hào hùng của chiến thắng năm xưa.

Đến với Lễ hội Bạch Đằng, du khách không chỉ được đắm mình trong không khí của lễ hội truyền thống mà còn được tham quan quần thể di tích Bạch Đằng, bao gồm: Bãi cọc Bạch Đằng, cây lim giếng Rừng, đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, đình Trung Bản… Mỗi địa danh là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha ông ta xưa kia./.


Diễn viên phim "Cô gái xấu xí" muốn làm Đại sứ Du lịch

 (NLĐO)- Ngay sau khi Lý Nhã Kỳ quyết định rút khỏi danh sách ứng viên Đại sứ Du lịch Việt Nam 2013, diễn viên Lan Phương trong phim "Cô gái xấu xí" đã ngỏ ý muốn thay vị trí của Lý Nhã Kỳ. 

Chiều ngày 18-3, ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) - cho hay, đại diện của nữ diễn viên Lan Phương đã liên lạc với Cục Hợp tác Quốc tế để hỏi về các thủ tục tham gia ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam.


Nữ diễn viên Lan Phương muốn làm Đại sức Du lịch

Ông Tình chia sẻ: “Đại diện của nữ diễn viên Lan Phương đã liên lạc với tôi để hỏi về các thủ tục tham gia ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam . Bước đầu Lan Phương đã thể hiện những lợi thế riêng về trình độ ngoại ngữ, giao tiếp, là người của công chúng và từng tham gia nhiều hoạt động giao lưu quốc tế. Đây là một gương mặt mới sáng giá”. Lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc tế cũng nhận xét: “Có cảm nhận đây là một gương mặt có những lợi thế riêng”.

Liên quan đến thông tin một số người đẹp khác cũng đang ngấp nghé vào vị trí mà Lý Nhã Kỳ vừa từ chối như người đẹp Diệu Hân, ông Nguyễn Văn Tình cho biết, những người đẹp này chưa có sự liên hệ chính thức mà mới chỉ nghe qua báo chí.

Ông Nguyễn Văn Tình cũng tiết lộ, Cục Hợp tác Quốc tế đã làm báo cáo gửi lãnh đạo Bộ VH-TT&DL xin ý kiến về việc ứng cử viên Lý Nhã Kỳ xin rút lui. “Quan điểm của Cục là nên tôn trọng ý kiến cá nhân vì Đại sứ Du lịch là công việc tự nguyện” - ông Tình nói.

Nếu việc xin rút lui của Lý Nhã Kỳ được đồng ý, Cục Hợp tác Quốc tế dự kiến xin gia hạn thêm thời gian nhận hồ sơ ứng cử vào vị trí Đại sứ Du lịch đến hết tháng 6-2013.

Sau khi gửi thư điện tử xin rút khỏi danh sách ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam tới báo chí và Cục Hợp tác Quốc tế, ngày 17-3, Lý Nhã Kỳ đã chính thức gửi thư tay đến Cục Hợp tác Quốc tế xin không tiếp tục tham gia ứng cử nữa.

Việc diễn viên kiêm doanh nhân Lý Nhã Kỳ đột ngột xin rút khỏi danh sách ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2014 khi đang chiếm ưu thế, nhận số phiếu bầu chọn gần như tuyệt đối khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Lý do mà người đẹp này đưa ra là vấn đề sức khỏe, sự mệt mỏi trước thị phi của dư luận “chĩa” vào cuộc sống riêng và gia đình.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, diễn viên phim “Cô gái xấu xí” hào hứng cho hay, dù rất bận rộn nhưng cô đã sẵn sàng cho việc xin ứng cử Đại sứ Du lịch. Lan Phương tự tin cho biết cô đã tốt nghiệp cử nhân trường Đại học ngoại thương TPHCM và tốt nghiệp Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, sử dụng tốt tiếng Anh, biết thêm tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Người đẹp này cũng đã giao lưu nhiều với bạn bè quốc tế như tham gia hành trình tàu Thanh Niên Đông Nam Á do chính phủ Nhật tổ chức, tham gia chuyến hải trình trên du thuyền Nivea Blue Boat tại Hamburg (Đức) cùng hơn 3.000 đại diện đến từ 50 quốc gia, tham dự chương trình chủ đề "Thúc đẩy thay đổi xã hội qua các dự án nghệ thuật" do Lãnh sự quán Mỹ tổ chức, biểu diễn và giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Tokyo (Nhật Bản)…

Cuối cùng, cô là người của công chúng, có sở thích đi du lịch và cũng đã đi du lịch, trải nghiệm rất nhiều nơi khắp Việt Nam và trên thế giới. “Được làm Đại sứ Du lịch là cơ hội tốt để tôi tiếp tục trải nghiệm, cải thiện và quảng bá cho du lịch Việt Nam ” - Lan Phương cho hay.


Ai sẽ thay Lý Nhã Kỳ?

 (HNMO) – Việc chọn Đại sứ du lịch 2013 đang ngày càng “nóng” khi có thêm nhiều diễn biến mới kể từ khi “ứng cử viên nặng ký” Lý Nhã Kỳ bất ngờ rút khỏi danh sách ứng cử. Hiện đã xuất hiện những cá nhân mới mong muốn ứng cử vị trí này. 

  

Lý Nhã Kỳ xin rút, lập tức có thêm người đẹp muốn thay thế cô đảm nhiệm vị trí Đại sứ du lịch


Ngay sau khi Lý Nhã Kỳ gửi thông báo tới báo giới về việc chính thức rút khỏi danh sách ứng cử vị trí Đại sứ du lịch 2013 – 2014 do mệt mỏi vì bị làm phiền về đời tư, lập tức sau đó một số cá nhân bày tỏ mong muốn ứng cử vị trí này.

Người được báo chí nhắc đến gần đây nhất và nhiều nhất là diễn viên Lan Phương. Nếu áp vào tiêu chí “phải có thành tích nổi bật” mà Cục Hợp tác nêu khi lựa chọn vị trí Đại sứ du lịch thì diễn viên Lan Phương hoàn toàn đáp ứng đầy đủ. Trước khi trở thành diễn viên kịch, cô đã có 10 năm là diễn viên múa và tốt nghiệp Đại học Ngoại thương. Bên cạnh công việc nghệ thuật, Lan Phương còn có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng: Từng là Đại sứ Hòa bình của Việt Nam (năm 1998 và 2008) tại Fukuoka, Nhật Bản; Năm 2011, Lan Phương tham gia chuyến hải trình trên du thuyền Nivea Blue Boat tại Hamburg (Đức) cùng với hơn 3.000 đại diện đến từ 50 quốc gia; được Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh mời đến Mỹ tham dự chương trình chủ đề “Thúc đẩy thay đổi xã hội qua các dự án nghệ thuật”...

Nói về lý do ứng cử Đại sứ du lịch, Lan Phương cũng cho biết trước kia cô từng có ý định ứng cử vị trí này nhưng do bận việc không có thời gian tìm hiểu cách thức làm hồ sơ. Thời điểm đó, Lý Nhã Kỳ có nhiều khả năng tiếp tục là Đại sứ du lịch 2013. Sau khi Lý Nhã Kỳ xin rút, Lan Phương đã bày tỏ với báo giới sẽ làm hồ sơ ứng cử nếu như Cục Hợp tác Quốc tế gia thêm hạn. Được biết, Lan Phương cũng là bạn học cùng Lý Nhã Kỳ thời tiểu học, cùng hoạt động nghệ thuật tại nhà văn hóa. Hiện Lan Phương cũng đang chuẩn bị tham gia chương trình ‘Bước nhảy hoàn vũ”.

Xuất hiện thêm Lan Phương (trái) và Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân bày tỏ muốn tham gia ứng cử


Người thứ 2 cũng bày tỏ mong muốn trở thành Đại sứ du lịch là hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân. Theo tâm sự của cô trên báo chí, sau khi tham khảo ý kiến bạn bè trên trang facebook về việc trở thành ứng viên Đại sứ Du lịch và nhận được rất sự đồng tình của rất nhiều người. Tuy nhiên, điều cô lo lắng là việc nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ đã làm rất tốt vai trò Đại sứ trong nhiệm kỳ đầu tiên nên cô sẽ gặp rất nhiều áp lực khi tự ứng cử.

Trả lời báo chí, đại diện Cục Hợp tác quốc tế cho biết, hiện nay thời hạn ứng cử vị trí Đại sứ du lịch đã hết, vì thế những tình tiết mới của sự việc này phải do lãnh đạo Bộ VHTT&DL chỉ đạo. Về việc xuất hiện thêm 2 người đẹp mong muốn xin ứng cử vị trí du lịch, đại diện Cục Hợp tác quốc tế cho biết, mới chỉ nhận được điên thoại chính thức từ người quản lý của diễn viên Lan Phương bày tỏ việc sẽ làm hồ sơ ứng cử, còn trường hợp của Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân vẫn chỉ là thông tin trên báo chí. Tuy nhiên, Cục Hợp tác Quốc tế cũng nhận thấy tiềm năng từ Lan Phương vì đây là gương mặt mới mẻ và cô cũng bày tỏ sự nghiêm túc trong việc ứng cử Đại sứ du lịch.

Hai ứng cử viên hiện tại là Huỳnh Thị Ngọc Hân và Đỗ Thị Hồng Thuận


Việc lựa chọn vị trí Đại sứ du lịch Việt Nam 2013 – 2014 tưởng đơn giản nhưng vào thời điểm gần quyết định lại nảy sinh nhiều tình tiết mới. Điều đáng nói là Cục Hợp tác quốc tế tổ chức kêu gọi các cá nhân tham gia ứng cử nộp hồ sơ gần 2 tháng nhưng cuối cùng chỉ có 3 cá nhân là Lý Nhã Kỳ, Huỳnh Thị Ngọc Hân và Đỗ Hồng Thuận. Tuy nhiên, khi Lý Nhã Kỳ xin rút thì sức nóng của vị trí Đại sứ du lịch 2013 trở nên hấp dẫn hơn. Nhiều người cho rằng, với sức hút này thì việc ứng cử Đại sứ du lịch sẻ là một “chiêu” PR tốt cho những ai muốn được báo chí nhắc đến.

Hiện nay, mọi quyết định vẫn đang chờ Bộ VHTT&DL.