Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Xa xỉ như... thưởng Tết Dương

 (Kienthuc.net.vn) - Thưởng Tết Dương lịch 2013, có người lĩnh cả trăm triệu đồng, người "rinh" xe hơi nhưng đối với nhiều người, khái niệm "thưởng tết Dương" là những từ xa xỉ. 

Chuyện thưởng Tết bấy lâu nay không hiếm cảnh kẻ cười, người khóc. Trong tình hình làm ăn khó khăn chưa từng có như năm nay, hàng vạn doanh nghiệp phá sản, sống dở chết dở, chuyện thưởng Tết Dương càng “èo uột” thì độ “vênh” giữa các doanh nghiệp càng khiến người ta để ý hơn bao giờ hết.


 Kẻ cười... 


Sở LĐ-TB-XH Hà Nội vừa thống kê, tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn, mức thưởng tết Dương lịch bình quân gần 3,2 triệu đồng, giảm 14,5% so với năm trước. Có những doanh nghiệp thưởng lên đến 30 triệu đồng.


Đối với khối DN cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng Tết Dương lịch 2013 của khối này bình quân là 570.000 đồng/người. Khối DN dân doanh, mức thưởng Tết Dương lịch 2013 bình quân là 510.000 đồng/người.


Anh T. làm ở bộ phận kinh doanh của Công ty Viettel Telecom cho hay, thưởng Tết Dương lịch của công ty là 3 triệu đồng/người. Đây là mức thưởng chung cho cả bộ phận, không phân biệt thâm niên công tác.

Anh Trần Minh Tùng, kỹ sư của một công ty Nhật ở Cầu Giấy cũng nhận được mức thưởng tết là 120 USD, tương đương với khoảng 2,5 triệu đồng. “Chúng tôi là nhân viên nên chỉ nhận được mức thưởng thấp nhất, những người quản lý như trưởng phòng, giám đốc, phó giám đốc, mức thưởng còn cao hơn nhiều”, anh Tùng tiết lộ.

Thậm chí, Tết Dương lịch năm nay, còn có một doanh nghiệp tiết lộ phần thưởng cho những người có thành tích cao trong quá trình làm việc, công tác là 4 chiếc xe hơi.


Doanh nghiệp "chịu chơi" này được “bật mí” là một Tập đoàn hàng đầu Việt Nam với 36 công ty thành viên hoạt động trong 6 lĩnh vực chính: Kinh doanh bất động sản, Bán lẻ cao cấp, Xây dựng, Đầu tư tài chính, Ẩm thực – Giải trí và Y tế - Giáo dục…

Kẻ cười, người khóc vì thưởng Tết dương. Ảnh minh họa 

 ... Người khóc 


Tuy nhiên, những con số thống kê ở trên khiến nhiều người phải mơ ước bởi số người được hưởng thưởng Tết Dương “ngọt ngào” như vậy không nhiều.

Không có khách hàng, được vài hợp đồng khách quen thì lại bị nợ mất 50%, anh Cương, giám đốc một công ty in ấn ở quận Đống Đa, Hà Nội cho hay, cả năm nay, lợi nhuận của công ty bị giảm tới 2/3. “Số lượng nhân viên đã bị cắt giảm tới một nửa, nửa còn lại tôi cố giữ vững mức lương cho anh em, thưởng trong năm và các chế độ nghỉ ngơi, du lịch đều đã bị cắt. Cuối năm, tôi và kế toán khổ sở đi đòi nợ để thanh toán nốt công nợ, xem còn đồng nào dư thưởng cho nhân viên, mai mới hạch toán nốt, chắc mỗi người được vài ba trăm”, anh Cương nói.


Chị Thúy, nhân viên kế toán một công ty dệt may tư nhân tại Hà Nam năm nay được thưởng 200.000 đồng. Đây là mức cao tại công ty này vì chị Thúy thuộc bộ phận văn phòng, nếu là công nhân, mức thưởng thấp hơn nhiều.


Chị Hoa, làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội cho hay: “Mang tiếng là lao động trí thức, nghề nghiệp nghe có vẻ cao sang nhưng 4 năm qua, thưởng Tết Dương của tôi chỉ đúng 300.000 đồng, năm nay cũng không nằm ngoài quy luật. Những em mới vào, thâm niên chỉ một năm thì 100.000 đồng là điều chắc chắn”. So với bạn bè cùng lứa đại học, chị còn được coi là người được thưởng Tết Dương vào loại khá. Người được thưởng cao nhất là 700.000 đồng, do làm cho công ty của người nhà. Nhiều người không có thưởng, số thưởng 100.000 đồng cũng chiếm đa số.


Cũng được xếp vào diện công chức Nhà nước nhưng cô Mai, giáo viên Mầm non tại Hà Nam có thâm niên công tác gần 20 năm không khỏi ngậm ngùi: “Tôi không có thưởng Tết Dương lịch. Tôi may mắn có hơn 200.000 đồng tiền trợ cấp thâm niên cho 20 năm công tác, những cô giáo trẻ, thâm niên ngắn thì không có khoản này”.


Trong khi đó, đối với nhiều công nhân, khái niệm “thưởng Tết Dương” lại là những từ xa xỉ. “Đến Tết Âm lịch còn chưa biết có được đến vài trăm không chứ nói gì thưởng Tết Dương. Nghe thấy người ta kháo nhau có nơi thưởng Tết Dương tới vài chục triệu đồng mà xót lòng. Hàng trăm công nhân ở chỗ tôi đều chung hoàn cảnh, hầu như chỉ mong cai thầu trả lương đúng hạn chứ chẳng mong gì hơn”, Anh Nguyễn Văn Tính, một công nhân xây dựng cho hay.


TIN LIÊN QUAN


Nguồn: kienthuc.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét