Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Viettel lãi gấp 3 lần VNPT

Lợi nhuận của Tập đoàn Viễn thông Quân đội trong năm 2012 đạt gần 27.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của VNPT chỉ đạt khoảng 8500 tỷ đồng.


Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2013 của Bộ Thông tin – Truyền thông sáng 24/12, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết tổng doanh thu của VNPT năm nay chỉ tăng trưởng khoảng 10% so với năm ngoái, đạt mức 130.000 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về chỉ khoảng 8000 tỷ, con số mà ông Trận tự nhận là thấp hơn nhiều doanh nghiệp khác.

Lý giải cho kết quả kinh doanh này, ông Trận cho biết do mạng điện thoại cố định luôn là mạng chủ lực của VNPT nên khi số lượng thuê bao cố định sụt giảm, doanh thu và lợi nhuận từ điện thoại cố định không còn nữa thì VNPT gặp phải rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mô hình tổ chức, mạng lưới, phương thức kinh doanh của VNPT cũng bị lệ thuộc nhiều vào mạng cố định nên trước tình hình mới, nhu cầu tái cơ cấu của Tập đoàn là rất cấp bách.

Ngược lại với tình cảnh bi quan của VNPT, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết doanh thu của Tập đoàn năm qua đạt tới 140.000 tỷ, tăng 18,5% so với năm 2011. Lợi nhuận thu về cũng đạt 27.000 tỷ, vượt kế hoạch đề ra tới 14%. Trong số 7 thị trường quốc tế mà Viettel đang đầu tư, 4 nước đang có lãi với lợi nhuận 76 triệu USD trên tổng doanh thu 600 triệu USD.

Nhận định về triển vọng của năm 2013, ông Trận cho rằng điều kiện kinh tế chung vẫn chưa được cải thiên hơn nhiều, và việc cố gắng duy trì nhịp độ hiện nay cũng “đã là mừng”, trừ phi có sự đột biến từ phía cơ chế chính sách. VNPT cũng kiến nghị Bộ TT&TT nghĩ cách cứu mạng điện thoại cố định bằng các chính sách ưu tiên.

Trong khi đó, ông Hùng khẳng định tiếp tục đầu tư mạnh ra nước ngoài sẽ là hướng phát triển chiến lược của Viettel trong thời gian tới, và mục tiêu của Tập đoàn là tới năm 2015, thị trường nước ngoài sẽ lớn hơn cả trong nước. Ngoài ra, Viettel cũng đẩy mạnh hoạt động R&D, chế tạo các thiết bị điện tử cả dân sự lẫn quân sự made-in-Vietnam và phổ cập smartphone đến mọi người dân vào năm 2016.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nêu một số kiến nghị với Bộ TT&TT như tăng cước kết nối quốc tế chiều về, kéo dài đầu số di động lên 11 số và sớm cấp phép cho Viettel tham gia thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. “Việc doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thị trường truyền hình cáp sẽ tạo ra sự bùng nổ cho thị trường này”, ông Hùng khẳng định.

Trọng Cầm


Nguồn: vietnamnet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét