Thưởng Tết tăng nhẹ so với năm trước
Thông tin được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM công bố hôm 28/12/2012, số liệu báo cáo từ 991 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.
Đối với các doanh nghiệp ngoài Ban quản lý các KCX-KCN (Hepza), gồm có 791 doanh nghiệp thì mức thưởng Tết dương lịch và âm lịch cao nhất đều thuộc về doanh nghiệp khối FDI. Theo đó, mức thưởng cao nhất của Tết dương lịch là 624 triệu đồng và Tết Âm lịch là 539 triệu đồng.
Tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất là 40 triệu đồng, bình quân là 2,6 triệu đồng, (tăng gần 3% so với năm ngoái trước), thấp nhất là 1,1 triệu đồng. Mức thưởng Tết âm lịch cao nhất là 135 triệu đồng, bình quân là 8 triệu đồng (tăng 3% so với năm trước), thấp nhất là 4,9 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất là 86 triệu đồng, bình quân mức thưởng là 1,8 triệu đồng, thấp nhất là 700.000 đồng. Còn mức thưởng Tết âm lịch cao nhất là 192 triệu đồng, bình quân mức thưởng là 8,5 triệu đồng (tăng 2,5% so với năm trước), thấp nhất là 2,6 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất là 46 triệu đồng (tăng gần 2 lần so với năm trước), mức bình quân là 767.000 đồng/ người, thấp nhất là 373.000 đồng/ người. Mức thưởng Tết âm lịch cao nhất là 162 triệu đồng, mức thưởng bình quân là 3,9 triệu đồng (tăng 6% so với năm trước), mức thưởng thấp nhất là 2,6 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết dương lịch bình quân là 4,9 triệu đồng (tăng 19% so với năm trước), thấp nhất là 763.000 đồng/ người. Còn mức thưởng Tết âm lịch bình quân là 5,6 triệu đồng (tăng 4,5% so với năm trước), thấp nhất là 3,3 triệu đồng.
Đối với 200 doanh nghiệp thuộc Hepza, thì mức thưởng Tết cao nhất của doanh nghiệp trong nước là 400 triệu đồng, khối doanh nghiệp FDI thưởng Tết cao nhất là 217 triệu đồng. Mức thưởng bình quân ngành May mặc – da giày là 3,4 triệu đồng, ngành Điện – điện tử là 5 triệu đồng, ngành Thực phẩm là 2.5 triệu đồng và ngành Cơ khí là 3,55 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở LĐ – TB&XH thì mức thưởng cao rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tư vấn, quản lý. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp thâm dụng lao động giản đơn có mức thưởng tương đối thấp. Nhìn chung các doanh nghiệp cố gắng trả thưởng cuối năm cho người lao động với mức trung bình là 01 tháng lương.
Trong 991 doanh nghiệp khảo sát, có 478 doanh nghiệp (chiếm 48,23%) bên cạnh việc thưởng cho người lao động có thêm các hình thức hỗ trợ khác như: tặng quà Tết, hỗ trợ vé tàu, xe… Thời gian trả thưởng Tết cho người lao động được các doanh nghiệp thực hiện trong khoảng từ ngày 25/1/2013 đến 7/2/2013.
Hầu hết doanh nghiệp đã tăng lương năm 2012
Ngoài công bố thưởng Tết, Sở LĐ-TB&XH cũng thông tin về tình hình tiền lương năm 2012. Đối với 791 doanh nghiệp ngoài Hepza, bình quân lương năm 2012 của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 7,322 triệu đồng/người/tháng (tăng 10,25% so với năm trước). Còn đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì bình quân mức lương là 5,933 triệu đồng/người/tháng (tăng 9,4% so với năm trước).
Đối với doanh nghiệp dân doanh, bình quân mức lương là 4,626 triệu đồng/người/tháng (tăng 10,75% so với năm trước). Khối doanh nghiệp FDI, mức lương bình quân là 7,008 triệu/người/tháng (tăng 17,4 % so với năm trước).
Đối với doanh nghiệp thuộc Hepza, mức lương bình quân năm 2012 của doanh nghiệp trong nước là 2,8 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Khối doanh nghiệp FDI, mức lương bình quân là 4,4 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 2,14 triệu đồng/người/tháng.
Quốc Anh
Nguồn: dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét