* Anh đang làm việc tại Công ty Sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney và là người sáng lập Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại New York. Vậy anh thu xếp công việc như thế nào để có thời gian đi sưu tầm?
* Khi bắt tay vào việc, tôi vừa sưu tầm vừa tự tìm hiểu kiến thức trên bản đồ. Theo tôi, hiện có khoảng 100 bản đồ Trung Quốc chỉ ra điểm cực Nam là đảo Hải Nam và khoảng 60 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Điều thuận lợi khi tìm kiếm bản đồ là hiện nay các tiệm sách và bản đồ cổ đều đưa mọi thứ lên mạng ebay để rao bán, ta có thể gặp người bán từ mọi nơi trên thế giới. Tôi đặt mua bản đồ từ các nước như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Canada, Úc và Hoa Kỳ.
* Ngoài những tấm bản đồ này anh còn sưu tầm được những tư liệu quý nào khác?
* Trong quá trình tìm kiếm các bản đồ Trung Quốc, tôi phát hiện sách toàn đồ (atlas) Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ 1933, do Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc phát hành, được viết bằng 3 ngôn ngữ: Trung, Anh, Pháp, được rao bán tại New York City, thế là tôi đi New York xem ngay. Khi nhìn thấy sách to như cái bàn, tôi rất xúc động vì lãnh thổ của Việt Nam liên quan đến sách này. Xem bản đồ tổng thể Trung Quốc chỉ rõ miền Nam là đảo Hải Nam, xem trang của tỉnh Kwangtung chỉ có đảo Hải Nam, xem trang mục lục không có Paracel (Hoàng Sa) và Spratly (Trường Sa), tôi vui mừng muốn ôm cuốn sách về nhà luôn! Thế nhưng, để có được sách toàn đồ này tôi phải kêu gọi từ sự đóng góp của bạn bè được 3.000 USD. Rồi sau đó tôi lại phát hiện tiếp sách toàn đồ Atlas of The Chinese Empire do Phái Bộ truyền giáo Chinese Inland Mission xuất bản tại London năm 1908, là sách toàn đồ đầu tiên về Trung Quốc, sách này nằm tại Anh, tôi mua với giá 1.000 USD. Rồi tiếp tục phát hiện sách Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ 1919, là sách toàn đồ đầu tiên do nhà nước Trung Hoa phát hành, sách này nằm tại Ba Lan, giá rao bán 9.000 USD và tôi thương lượng được giá 5.000 USD. Sau khi quảng bá tài liệu bản đồ trên email của chúng tôi trong tháng 10-2012, có một số người Việt đóng góp và tôi có đủ số tiền trên để mua tiếp cuốn sách thứ 3 này.
* Anh có nhận định gì về giá trị của những tài liệu này?
* Các bản đồ do các nước phương Tây phát hành nói lên độ chính xác về địa lý của lãnh thổ Trung Quốc. Người phương Tây xây dựng bản đồ cũng phải có sự cộng tác của nhà nước Trung Hoa bấy giờ. Đất và biển đảo của anh ở phương trời nào thì tôi vẽ bản đồ đến đấy. Không phải một nhà xuất bản phát hành mà trên 50 nhà xuất bản từ 10 nước trên thế giới phát hành, và mọi bản đồ đều chỉ ra miền Nam Trung Hoa là đảo Hải Nam. Quan trọng hơn là sách Trung Hoa Bưu Chính Dư Đồ, do chính nhà nước Trung Hoa phát hành, chứng tỏ Trung Hoa công bố cho thế giới về lãnh thổ của họ.
Một số bản đồ hàng hải khu vực châu Á chỉ các tuyến hàng hải quan trọng đi ngang qua Hoàng Sa và Trường Sa là nơi có thể ngày xưa người Pháp quản lý vùng biển Đông Dương và có điểm dừng chân cho các tàu bè đi ngược xuôi Nam-Bắc của châu Á. Sau Hiệp định Genève 1954, Pháp trao trả “toàn vẹn lãnh thổ” cho Việt Nam, tất nhiên phải có Hoàng Sa và Trường Sa trong đó.
* Anh có tiếp tục công việc này trong thời gian tới?
* Sau khi thông báo tài liệu bản đồ trên website của IVCE (www.ivce.org), chúng tôi nhận được nhiều lời chia sẻ của anh em Việt kiều trẻ, các học giả người Mỹ. Việc đưa toàn bộ bản đồ lên website tạo sự thuận tiện cho mọi người xem.
Theo tôi, báo chí tại Việt Nam nên lập một trang về Hoàng Sa và Trường Sa nhằm cung cấp thông tin cho mọi người kịp thời và thường xuyên. Website là một công cụ vô cùng hữu dụng cho việc tuyên truyền về biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Việt Nam cần tổ chức các hội thảo quốc tế và các buổi nói chuyện tại các trường đại học về biển Đông nhằm gia tăng nhận thức của giới trẻ về chủ quyền và lãnh thổ của quốc gia.
* Anh suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của những người Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương?
* Là người con của Việt Nam, dù sống nơi nào mọi người cũng muốn bảo vệ đất nước. Tại Hoa Kỳ, một số người Việt có những nghiên cứu độc lập về biển Đông và đa phần ủng hộ trên giá trị tinh thần. Tôi cũng được biết, trong giới luật sư gốc Việt cũng đang có những hành động về pháp lý trợ giúp Việt Nam.
NGUYỄN HÙNG (thực hiện)
Nguồn: sggp.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét