Phải có tháng lương 13!
Kinh tế năm 2012 có tác động xấu đến rất nhiều DN ngành dệt may. Phần lớn DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong đơn hàng sản xuất, nhiều DN đã ngưng hoạt động. Do làm hàng gia công là chủ yếu nên DN vừa và nhỏ không có lợi nhuận, giỏi lắm cũng chỉ đủ cầm cự sản xuất, giữ lao động ở lại. Nhiều DN dệt may lớn tại TPHCM thừa nhận lợi nhuận trong năm 2012 giảm đi một nửa, do DN phải bù chi một khoản lớn cho chi phí sản xuất gia tăng và hỗ trợ chăm lo đời sống người lao động. Nhưng bù lại, nhiều DN dệt may là công ty cổ phần, ngoài khoản thu chính từ may mặc, DN còn có thêm các khoản thu khác ngoài ngành như cho thuê văn phòng, mặt bằng… Nhờ vậy, DN có chỗ thu, vẫn đảm bảo được mức thưởng cho người lao động cuối năm.
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa cho biết, là DN nhỏ có khoảng 100 lao động, trải qua một năm cam go, trần ai trong sản xuất nhưng đến tết, khó mấy DN cũng phải lo được cái tết cho công nhân. DN vẫn đảm bảo tháng lương 13 cho người lao động và quà tết. Hầu hết DN dệt may vừa và nhỏ đều có mức lo thưởng tháng 13. Tại TPHCM, khi nghe mức thưởng của nhiều DN dệt may lớn công bố, lao động ở những ngành nghề khác phải ghen tỵ. Những DN dệt may hàng đầu tại TPHCM và cả nước như Garmex Sài Gòn, May Sài Gòn 3, Việt Tiến, Nhà Bè… mức thưởng bình quân cho công nhân trong dịp Tết Quý Tỵ này trên 10 triệu đồng/người. Garmex Sài Gòn đã hoàn thành kế hoạch năm trong 11 tháng, công bố mức thưởng tết cho 3.700 lao động cao hơn mức thưởng năm 2011, với 2 tháng lương. Với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/tháng/người, thậm chí có nhiều lao động xuất sắc nhận mức lương trên 10 triệu đồng/tháng, May Sài Gòn thưởng 2 - 3 tháng lương, cho công nhân lãnh trước lương tháng 1-2013 để tiêu tết... Tổng quỹ lương thưởng May Sài Gòn 3 chi trả cho 3.000 lao động trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 40 tỷ đồng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, với mức lương tăng 10% - 15% trong năm qua, nhiều DN trong hệ thống cũng nỗ lực chăm lo đời sống người lao động, với mức thưởng 10 - 12 triệu đồng/người.
Lo cho người lao động một cái tết đàng hoàng, năm sau phải hơn năm trước đó là tình cảm, trách nhiệm và cũng là vì sự tồn tại của DN, lãnh đạo nhiều DN dệt may đã chia sẻ như vậy. Tuy nhiên, họ cũng rất e ngại khi cho biết mức thưởng của DN mình. Vui vì có cái để lo cho lao động của mình tươm tất nhưng rất ngại công bố mức thưởng cao vì đây là điều hết sức nhạy cảm, sợ “điển hình” ít ỏi này sẽ tạo nên sức ép lớn cho những DN cùng ngành, nhất là khi năm nay kinh tế gặp khó khăn hơn.
Tín hiệu sáng sủa
Dù gặp nhiều biến động nhưng dệt may Việt Nam cũng đang có nhiều cơ hội lớn mở ra, tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong năm 2012 không cao nhưng vẫn giữ mức tăng trưởng chung 8%, dẫn đầu ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam và nhiều khả năng xuất khẩu dệt may năm 2012 sẽ đạt hơn 17 tỷ USD. Trong các thị trường xuất khẩu chính của dệt may, duy nhất chỉ có thị trường EU giảm, còn lại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng.
Theo ghi nhận, tình hình thị trường, đơn hàng sản xuất dệt may cho năm 2013 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Tại thời điểm này, nhiều DN vừa và nhỏ cũng đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 3-2013. Một số DN lớn, đối tác đề nghị tăng sản lượng nhưng không dám nhận vì mở rộng sản xuất sẽ phải đầu tư con người, quản lý.
Theo nhận xét của các DN, do lượng hàng tồn kho trong năm 2012 còn, dẫn đến việc nhà nhập khẩu hạn chế, giảm sản lượng, đơn hàng sản xuất. Việc nhà nhập khẩu đặt hàng ngay từ những tháng cuối năm cho thấy, nhiều khả năng nhà nhập khẩu đã hết hàng trong kho để bán và buộc phải đặt hàng trở lại. Ngoài ra, trong tình hình chung, do chính sách tiền lương ở Trung Quốc tăng cao, cộng với tâm lý người tiêu dùng trên thế giới e ngại hàng sản xuất từ Trung Quốc đã và đang tiếp tục tạo ra sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước và Việt Nam có nhiều cơ hội được lựa chọn, tiếp nhận cơ hội này.
Và cũng theo đánh giá của các chuyên gia, một sức hút, thuận lợi rất lớn đối với dệt may Việt Nam đối với các nhà nhập khẩu nước ngoài hiện nay chính là các hiệp định thương mại đã và đang được thực hiện, đàm phán như FTA giữa Việt Nam, ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và đích nhắm lớn nhất của dệt may Việt Nam là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều nhà đầu tư, nhà nhập khẩu đã quyết định lựa chọn Việt Nam để chuẩn bị đầu tư, đặt hàng sản xuất. Nếu đây là một cơ hội lớn thì dệt may Việt Nam sẽ đạt được 19 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2013.
Mỹ Hạnh
Nguồn: sggp.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét