Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Tổng thống Mỹ Barack Obama: Ba ngày ở Đông Nam Á

Vừa tái đắc cử được 2 tuần, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên, và "hướng" của chuyến đi là đến châu Á với tâm điểm là Đông Nam Á - khu vực đang trở thành "mặt trận" chiến lược mới trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ II của ông.

Ngày 18/11, Tổng thống Obama đặt chân đến Thái Lan mở đầu cho chuyến thăm Đông Nam Á 3 ngày. Ngày 19/11, ông đến Myanmar, và chiều cùng ngày đến Phnom Penh, Campuchia, để dự Hội nghị cấp cao ASEAN và thăm chính thức nước này. Sau đó, ông có cuộc hội kiến với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào ngày 20/11, trước khi trở về Mỹ đúng ngày lễ Tạ ơn (21/11).

Tại Thái Lan, trông bề ngoài, chuyến thăm Thái Lan của ông Obama giống như một chuyến ngoạn cảnh hơn là thăm chính thức cấp nhà nước, bởi ông tham quan nhiều thắng cảnh, danh lam, và đặc biệt là Cung điện Wat Pho - một di sản văn hóa đặc trưng của Thái Lan. Nhưng, Thái Lan là một đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, và chuyến viếng thăm này được hiểu như một lời khẳng định: "Các đồng minh tiếp tục là nền tảng trong kế hoạch mới của Mỹ nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực này" - như lời giải thích của Phó cố vấn An ninh quốc gia Ben Rhodes.

Đáng chú ý, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến thăm này là Myanmar đánh dấu mốc lịch sử: chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ trong vài chục năm qua, nhất là từ khi nước này tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống chính trị, với việc bầu ra Tổng thống Thein Sein và cho phép bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà tham gia đầy đủ các hoạt động chính trị trong nước.

Myanmar đã tiếp đón ông Obama khá trọng thị, bởi lẽ nước Mỹ đang cố vươn cánh tay ra "kết thân" với Myanmar bằng cách Mỹ cử đại sứ đầu tiên đến Myanmar sau 22 năm, đồng thời nới lỏng dần các biện pháp cấm vận được áp đặt dưới thời các tướng lĩnh cầm quyền ở Myanmar nhằm tạo điều kiện cho nước này thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, chuyến thăm khu vực quan trọng bậc nhất đối với chiến lược đối ngoại của nước Mỹ lại có vẻ như bị "sượng" bởi những vấn đề nhạy cảm mà ông Obama đặt ra khi hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ông đã khiến chủ nhà mất vui bằng cách "lên lớp" về công việc nội bộ của Campuchia, vì thế đã không hề có cuộc họp báo chính thức nào sau cuộc hội đàm, mà thay vào đó chỉ là cái bắt tay chụp ảnh ngắn gọn trước khi hội đàm.

Trên đường phố Phnom Penh, thái độ của người dân Campuchia cũng khá lạnh nhạt với ông Obama - "kẻ giảng đạo" - với chỉ một nhóm vài chục người dân hiếu kỳ ra xem đoàn xe hộ tống hú còi vụt qua, kể cả biển chào mừng dành cho Obama cũng khá mờ nhạt.

Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton tham quan ngôi chùa Shwedagon, một danh lam nổi tiếng ở Yangon, Myanmar.

Sự khác biệt trong cách tiếp đón ở 3 điểm dừng chân, nhất là tại Campuchia, cho thấy tham vọng của Tổng thống Obama trong việc triển khai chính sách đối ngoại mới "tâm điểm châu Á" (Asian pivot) sẽ không dễ đạt được bởi Trung Quốc hiện cũng đang muốn gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này.

Những động thái trong vài tháng gần đây cho thấy Mỹ đã rất tích cực thúc đẩy kế hoạch "tâm điểm châu Á", bằng cách tăng cường hợp tác, hỗ trợ về quân sự cho Philippines, mở rộng hệ thống phòng thủ "lá chắn tên lửa" ở Nhật Bản, tăng cường hoạt động tập trận quân sự với Hàn Quốc, và mới đây nhất là việc Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đến Campuchia vào ngày 16/11 để cùng 10 nước ASEAN bàn bạc kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh, trong đó Mỹ có kế hoạch tham gia 3 cuộc tập trận với các nước ASEAN vào năm 2013, đồng thời ký kết tuyên bố nâng cấp quan hệ hợp tác về an ninh với Thái Lan. Trong xu hướng hợp tác mới, ngoài vấn đề an ninh, Mỹ cũng đang muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và ngoại giao với các nước ASEAN, xem đó như là một trong những trụ cột quan trọng trong kế hoạch "tâm điểm châu Á".

Trong kế hoạch "tâm điểm châu Á", Đông Nam Á là khu vực quan trọng bậc nhất, và ở đó mối quan tâm nổi bật nhất của Mỹ là tình hình tranh chấp lãnh hải trên biển Đông. Đây đồng thời cũng là nội dung trọng tâm trong cuộc đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc. Lý do để Mỹ quan tâm sâu sắc đến vấn đề tranh chấp trên biển Đông là bởi vì đây là tuyến đường hàng hải quan trọng nhất, chiếm đến trên 60% lượng lưu thông hàng hải thế giới, và Mỹ xem an ninh hàng hải trên biển Đông là một phần lợi ích an ninh quốc gia. Do đó, biển Đông cũng đồng thời là "lý do" quan trọng để Mỹ triển khai chính sách "tâm điểm châu Á".

Tổng thống Obama phát biểu tại Đại học Yangon, Myanmar.

Trong vấn đề biển Đông, Mỹ ủng hộ ASEAN giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc bằng giải pháp đối thoại đa phương, tiến tới xây dựng bộ "Quy tắc ứng xử" (COC) trên biển Đông nhằm bảo đảm tính ràng buộc đối với các bên liên quan, trong khi "Tuyên bố ứng xử" (DOC) đã không còn phù hợp vì không mang tính ràng buộc, và trên thực tế thời gian qua đã cho thấy DOC không thể ngăn chặn được các xung đột giữa Trung Quốc với các quốc gia có liên quan trong khu vực.

Ngoài ra, trước khi bước vào Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc hôm 19/11, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã đưa ra sáng kiến thiết lập một đường dây điện thoại nóng nhằm kịp thời xử lý các tình huống "sự cố" xảy ra trên Biển Đông. ASEAN có vẻ ủng hộ sáng kiến này, và đang đề nghị Trung Quốc tham gia.

Theo giới quan sát, giới chức ngoại giao Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu cho thấy nước này sẵn sàng cùng ASEAN xây dựng một "bộ khung" để xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, nhưng đối với việc xây dựng COC thì Trung Quốc vẫn còn ngần ngại. Một quan chức ngoại giao tham gia cuộc họp ASEAN - Trung Quốc cho biết, DOC là cơ sở tạo niềm tin giữa ASEAN và Trung Quốc, do đó Bắc Kinh muốn trước tiên các bên thực thi đầy đủ DOC, rồi từng bước "thăm dò" khả năng xây dựng COC hay một công cụ pháp lý nào khác.

"Điều đáng mừng là thiện chí đang thắng thế… Các bên liên quan đã đồng ý cùng hạ nhiệt, và đó là dấu hiệu tốt lành để cùng nhau tiến tới bàn bạc nhiều vấn đề trọng tâm" - Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan phát biểu


tai game dien thoai conggameviet

my pham the face shop shoptainha

phim tam ly ohayqua.com

my pham han quoc shoptainha

ban de laptop shoptainha

Nguồn: antg.cand.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét