Trong dự thảo Luật Thủ đô, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |
Xây dựng cơ chế, chính sách như thế nào cho phù hợp với việc xây dựng và phát triển của thủ đô là vấn đề được đặt ra khi thảo luận về dự án Luật thủ đô...
Có nên hạn chế nhập cư?
Mang sứ mệnh đặc biệt nên ngay sau ngày giải phóng Thủ đô, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô để đưa Thủ đô lên xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng quốc gia đặc biệt của mình.
Trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đều khẳng định phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề ra những định hướng quan trọng về phát triển Thủ đô, yêu cầu xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội, giao Thủ đô thực hiện một số chức năng quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng vốn, quản lý đô thị, dân cư, nhà đất...
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, còn một Thủ đô Hà Nội đang tồn tại nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng, về chính sách quản lý, vì vậy mà chuyện giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường, tội phạm gia tăng... đang là những vấn đề bức xúc hàng ngày.
Một trong những nội dung được các đại biểu góp ý là quy định hạn chế nhập cư vào khu vực nội thành. Là người đang trực tiếp phụ trách công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn đặc biệt này, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã đề cập tới vấn đề rất "nóng" hiện nay ở Hà Nội, đó là quản lý dân cư và khẳng định luật cần phải có quy định để hạn chế việc tăng cơ học số dân nhập cư vào các quận nội thành. Các điều kiện này quy định chặt chẽ hơn do các điều kiện tại Khoản 1, Điều 20, Luật Cư trú về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Đại tá Nguyễn Đức Chung việc quy định chặt chẽ hơn này không trái với các quy định của Luật Cư trú, không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được quy định trong Luật Cư trú mà hoàn toàn là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Chung đưa ra dẫn chứng sau 5 năm ban hành Luật Cư trú, số người ở các tỉnh, thành phố khác chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống tăng nhanh. "Tính đến tháng 3/2012 toàn thành phố có 1.805.335 hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú là hơn 900.000. Mật độ dân cư có sự chênh lệch lớn giữa các quận nội và ngoại thành. Theo phê duyệt của Chính phủ, dự kiến đến năm 2030 dân số TP Hà Nội từ 9 - 10 triệu, tuy nhiên với tốc độ như hiện nay, đến năm 2020 dân số Hà Nội đã là 13 - 14 triệu. Mật độ dân của TP HCM hiện nay là khoảng 4.000 người/km 2 , trong khi đó ở quận Đống Đa là 37.000 người/km 2 , quận Hai Bà Trưng là 30.000 người/km 2 ".
Việc tăng dân số quá nhanh gây khó khăn cho chính quyền thành phố trong thực hiện nhiều công việc, như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, quản lý vệ sinh môi trường. Quá tải trong quản lý dân cư sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của chính người dân. Vì vậy việc thực hiện các giải pháp hành chính trong điều kiện nhập cư vào nội thành hiện nay là rất cần thiết và tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh các dự án nêu trên trong thời gian tới.
"Đặc biệt còn một số vấn đề quan trọng nữa trong việc siết chặt các điều kiện nhập cư hiện nay là rất cần thiết trong công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong 5 năm qua, tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố theo thống kê có từ 35-37% các loại tội phạm do các đối tượng ở các tỉnh ngoại thành đến TP Hà Nội gây án. Do đó, việc chúng ta áp dụng hạn chế các điều kiện nhập cư vào các quận nội thành trong điều kiện, trong giải pháp trong thời gian hiện nay là một điều kiện rất cần thiết để đảm bảo cho việc giữ gìn an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô và tạo mọi điều kiện cho người dân sống trong một môi trường an ninh, an toàn và hết sức cần thiết".
Cùng chung quan điểm cần hạn chế nhập cư vào nội đô, ông Lê Nam (đại biểu Thanh Hóa) "rất đồng tình và tôi đồng tình cao với việc hạn chế nhập cư vào Hà Nội. Có thể nói chúng ta rất cảm ơn những người nhập cư và có thể ngay cả chúng ta cũng là những người nhập cư vào đô thị, đô thị phát triển được chính là có người nhập cư nhưng tình hình Hà Nội hiện nay là cực kỳ cấp bách. Nếu chúng ta không đảm bảo các biện pháp để hạn chế nhập cư thì chúng ta sẽ không biết giải quyết việc xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới như thế nào, tôi thấy đây là vấn đề hết sức bức thiết và cấp bách".
Theo Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, sau 5 năm ban hành Luật Cư trú, số người ở các tỉnh, thành phố khác chuyển về Hà Nội làm ăn sinh sống tăng nhanh. |
Đồng tình với việc hạn chế nhập cư vào nội đô, ông Huỳnh Thành Lập (đại biểu TP HCM) cho rằng bức tranh ở nhiều đô thị hiện nay là bước ra đường gặp phải kẹt xe, xe cấp cứu bệnh nhân, cứu hỏa dù có ưu tiên cũng không có đường để đi, lề đường cũng ngập người và xe, nhiều cư dân bị xáo trộn cuộc sống, giờ giấc làm việc học hành vì ách tắc giao thông.
"Nhân dân có quyền tự do cư trú theo Hiến pháp là đúng, nhưng phải có quyền học hành, đi lại, khám chữa bệnh phải được đảm bảo, trong khi đó sự quá tải sống chen chúc, ra đường chen chúc, đi học chen chúc, đi chữa bệnh cũng chen chúc, vì vậy nếu không có kế hoạch về quản lý phân bổ dân cư hợp lý thì sẽ bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề xã hội trong tương lai, cản trở sự phát triển, làm suy giảm chất lượng sống của người dân. Do đó, quy định một số biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội là cần thiết bởi Thủ đô hiện nay đang quá tải. Nếu làm không chặt chẽ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Sự chặt chẽ này tạo điều kiện để đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những người đang thường trú và những người đủ điều kiện thường trú ở nội thành".
Ông Trương Trọng Nghĩa (đại biểu TP HCM) kiến nghị quan trọng hơn là quy hoạch lại các phân khu chức năng để hướng người dân không tập trung vào nội đô. Chức năng của nội đô trước hết và chủ yếu là chính trị, hành chính quốc gia, là di tích lịch sử văn hóa, tiếp theo đó là các trung tâm thương mại cao cấp, cao ốc, văn phòng cao cấp. Thứ ba là du lịch và thương mại, ẩm thực phục vụ du lịch và chức năng nhà ở là thứ yếu và hạn chế. Để bảo đảm chức năng hành chính quốc gia nếu anh ở nội đô thì anh phải chịu nhiều chế tài hơn ở ngoài, khó khăn hơn trong xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hạn chế gây ô nhiễm, hạn chế xe ôtô, xe máy, siết chặt quản lý lòng, lề đường, hạn chế buôn bán rong. Ở các khu vệ tinh ngoại thành thì được ưu đãi tiện lợi hơn trong sinh hoạt, học tập, chữa bệnh, buôn bán từ đó sẽ bớt lực hấp dẫn vào nội đô.
Cũng đề cập tới vấn đề này, nhưng ông Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng dùng biện pháp hành chính như quy định trong dự thảo luật nguy cơ sẽ không có hiệu quả, vì quản lý hành chính có thể giảm số lượng người đăng ký tạm trú về mặt sổ sách, giấy tờ, nhưng về thực tế sẽ tăng nguy cơ lượng người nhập cư không chính thức vào đô thị, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, cả lao động có trình độ và lao động không có trình độ. Do những rào cản về mặt kỹ thuật dẫn đến những hệ lụy là phát sinh tiêu cực như chạy các điều kiện để được đăng ký thường trú tại Thủ đô.
"Những quy định thắt chặt điều kiện nhập cư không đủ sức thuyết phục, không thể giải quyết giảm mật độ dân cư ngày càng tăng của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bằng cách này. Tất cả quy tụ về thủ đô, việc người dân tìm đến Thủ đô Hà Nội là chuyện hết sức bình thường, vì Hà Nội còn cần đến họ và bởi tính hấp hẫn của thủ đô" - Ông Phạm Trọng Nhân (đại biểu Bình Dương) khẳng định.
Cùng chung quan điểm này, ông Trần Ngọc Vinh (đại biểu Hải Phòng) cho rằng hiện nay Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng quyền tự do dân chủ của nhân dân; nỗ lực áp dụng các biện pháp để cải cách thủ tục hành chính thì dự thảo luật này lại hạn chế quyền tự do cư trú của công dân và đưa ra hàng loạt các điều kiện kèm theo nếu muốn được thường trú tại nội thành Hà Nội.
"Cần phải xây dựng chính sách đồng bộ, cải thiện điều kiện cơ sở về kinh tế, xã hội, quy hoạch như chuyển một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan tổ chức ra khỏi nội thành, hạn chế việc xây dựng các chung cư cao tầng trong nội thành, xây dựng tuyến đường giao thông thuận lợi kết nối nội thành với ngoại thành và các vùng phụ cận để kéo giãn dân cư ra ngoại thành và các vùng lân cận thay vì chúng ta đặt ra các biện pháp kỹ thuật hành chính tạm thời. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc của vấn đề".
Dân số gia tăng quá nhanh đang tạo áp lực cho giao thông đô thị. |
Cần cơ chế đặc thù cho Thủ đô phát triển
Đề cập tới việc tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện xây dựng phát triển nhanh bền vững, ông Phạm Xuân Thăng (đại biểu Hải Dương) đồng ý với quy định của Thủ đô cần có những cơ chế chính sách đặc thù, sự quan tâm đầu tư đặc biệt ưu tiên hơn so với các tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, "tôi băn khoăn về những quy định phân cấp đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa Chính phủ và UBND TP Hà Nội có những quy định chưa rõ ràng. Vì vậy cần có quy định hơn về phân cấp, phân quyền về trách nhiệm xây dựng thủ đô của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương, HĐND, UBND TP Hà Nội. Có những nội dung chưa rõ, tôi đề nghị có thể giao cho Chính phủ có hướng dẫn thực hiện là cần thiết".
Ông Nguyễn Văn Phúc (đại biểu Hà Tĩnh) cũng tán thành cần phải có quy định mức chi đầu tư phát triển và chi phát triển sự nghiệp, tức là chi thường xuyên cao hơn cho Thủ đô. "Tới đây cần phải làm rõ chi đầu tư phát triển của các cơ quan Trung ương đóng tại Thủ đô không phải là khoản chi cho TP Hà Nội, nhưng có được hiểu là chi đầu tư phát triển Thủ đô hay không. Ngoài chính sách đặc thù về ngân sách mà trong dự án luật này quá nhấn mạnh, tôi thấy cần bổ sung các cơ chế chính sách khác như phát hành trái phiếu Thủ đô. Luật có thể ghi bổ sung Quốc hội, Chính phủ quyết định các cơ chế chính sách đặc thù khác để xây dựng phát triển Thủ đô trong từng thời kỳ. Xin lưu ý thương hiệu Thủ đô cũng là nguồn lực và nguồn lợi to lớn mà TP Hà Nội cần phát huy".
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Vinh cũng chưa đồng tình với quy định thu phí cao hơn nhằm mục đích hạn chế phương tiện tham gia giao thông "Vì các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện đều nằm trong nội thành. Do đó người dân buộc phải đến những nơi này để học tập, công tác và chữa bệnh. Hơn nữa theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo pháp lệnh này. Có nghĩa là phí là số tiền phải trả khi được cung cấp dịch vụ, tuy nhiên trong điều kiện dịch vụ về giao thông của Hà Nội chưa tốt, đường sá xuống cấp, ùn tắc giao thông vẫn diễn ra hàng ngày, lụt lội khi mưa xuống và một số vấn đề khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân thì chưa nên quy định cho Hà Nội được đặc thù thu phí cao hơn".
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Phạm Trọng Nhân cũng không đồng tình với quy định việc thu phí đối với người dân nội thành cao hơn khu vực ngoại thành, kể cả việc xử phạt vi phạm hành chính, về đất đai, môi trường, giao thông, "có thể là biện pháp chế tài cứng rắn nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm, tuy nhiên theo tôi đó không phải là giải pháp tối ưu. Đề nghị không nên có sự chênh lệch này, bởi thu nhập tiền lương của đại đa số người dân và công chức không tăng lên được, thậm chí ngày càng khó khăn thì làm sao đủ sức để trang trải các khoản chi phí này. Theo ý kiến của nhiều cử tri, điều này không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải xây dựng một xã hội công bằng"
tai game dien thoai conggameviet
my pham the face shop shoptainha
phim tam ly ohayqua.com
my pham han quoc shoptainha
ban de laptop shoptainha
Nguồn: antg.cand.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét