Vị thế của bà Rice lại càng nổi bật hơn từ cuộc nổi dậy "mùa xuân Arập" khi Tổng thống Barack Obama chọn đi theo các chính sách đối ngoại mang tính lý tưởng hóa mà bà Rice là một trong những người đề xuất. Với những thay đổi tất yếu trong nội các nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Obama, giờ đây người ta đang chờ đón "làn gió mới" mà người phụ nữ hòa trộn hai phẩm chất mềm dẻo và cứng rắn này có thể đem đến, không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cục diện chính trị ngoại giao toàn cầu.
Nữ chính khách "con nhà nòi"
Susan Rice sinh ngày 17/11/1964 trong một gia đình rất nổi tiếng và quyền lực của giới chính khách. Người cha Emmett J. Rice là giáo sư kinh tế thuộc Đại học Cornell, từng giữ cương vị Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang, trong khi đó người mẹ Lois Dickson Fitt là một học giả chính sách giáo dục của Viện Nghiên cứu Brookings. Bởi vậy, cuộc sống của Rice ngập tràn hương vị chính trị cùng những cuộc tranh cãi sôi nổi về chính sách đối ngoại quốc gia trong mỗi bữa ăn.
Sự nghiệp học giả của người mẹ cho phép Rice tiếp cận những hình ảnh và thông tin rất quý giá về giới chính khách Mỹ, đồng thời là cơ duyên đưa Rice tới gặp cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright. Cô gái trẻ quá may mắn khi được chú ý ngay từ thời sinh viên khi bà Albright tham gia lãnh đạo một trường đại học cùng với mẹ Rice.
Cha mẹ dạy Susan Rice rằng, không bao giờ được phân biệt chủng tộc và lợi dụng người khác để làm lợi cho bản thân. Sống trong một gia đình hoạt động chính trị, Rice luôn ấp ủ mơ ước trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên ở Washington D.C, song lại bị ám ảnh bởi nỗi sợ mong manh về khát vọng viển vông của một cô gái yếu đuối. Rice cũng lo ngại rằng những thành công tương lai của bà sẽ bị lãng quên hoặc không được thừa nhận bởi lẽ dư luận sẽ nghi ngờ động cơ chính trị thực sự của bà một khi Rice trót "tích cực thái quá" trong chính phủ. Người phụ nữ này có một điểm đặc biệt: Rice sợ sự chia ly. Cái chết của người cha năm 2011 khiến Rice nhận ra nỗi ám ảnh, và tự nhủ phải sống mạnh mẽ để áp lực tâm lý không thể đánh bại một người phụ nữ mạnh mẽ từng được cha mẹ yêu thương hết mực.
Rice theo học tại một trường tư thục ở Washington , và được lựa chọn là sinh viên ưu tú của toàn khóa đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp. Bà luôn xuất sắc trong mọi hoạt động ngoại khóa cũng như kết quả học tập, thể hiện rõ thiên hướng chính trị khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên. Rice nhận bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, được Đại học Rhodes tài trợ học bổng tiến sĩ toàn phần và trở nên nổi tiếng sau khi được kết nạp vào Phi Beta Kappa - Hiệp hội học thuật hàng đầu và danh tiếng nhất nước Mỹ. Rice rất am hiểu về Nhà Trắng vì bà là học giả chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ, và đặc biệt yêu thích Tổng thống Harry Truman.
|
Susan Rice là lựa chọn hàng đầu của Tổng thống Obama cho cương vị Ngoại trưởng Mỹ. |
Trải nghiệm quan trọng nhất đưa Rice vào "mắt xanh" của giới chính khách là cơ hội tiếp quản vị trí Giám sát Hòa bình ở Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton . Tuy nhiên, những nhiệm vụ ban đầu khiến Rice khiếp sợ bởi lẽ bà phải đi thị sát nhiều khu vực "kinh khủng và ngoài sức tưởng tượng". Còn nhớ, chuyến thăm "vương quốc diệt chủng" Rwanda phải chứng kiến cảnh tượng hàng nghìn xác chết đang phân hủy bên ngoài một nhà thờ đã khiến Rice ngạt thở và khiếp sợ. Và dường như trong bà nặng thêm trách nhiệm trong việc tuyên truyền bảo vệ hòa bình - nhân quyền trên thế giới.
"Đó là cảnh tượng kinh khủng nhất đời tôi. Nó khiến tôi phát hoảng nhưng đồng thời cho tôi niềm tin về trách nhiệm của bản thân. Sự thật ở Rwanda giúp tôi nhận ra một điều: chúng ta cần phải quyết tâm vì công bằng và những quyền chính đáng của chính chúng ta…". Susan Rice rút ra nhiều bài học quý giá khi làm việc ở Hội đồng An ninh, tiếp tục phát huy tối đa năng lực chính trị khi làm trợ lý đặc biệt của Tổng thống Clinton và Cố vấn về các vấn đề châu Phi năm 1995.
Mềm dẻo pha trộn với cứng rắn
Rice vốn chưa bao giờ lọt vào tầm ngắm của giới cầm quyền, thậm chí còn từng bị liệt vào danh sách "những chính trị gia xã hội yếu kém". Tuy nhiên, nhờ sự hậu thuẫn rất lớn của "người bạn gia đình lâu năm" Albright nên Rice bắt đầu gây dựng được chút ảnh hưởng cá nhân. Rice được cựu Ngoại trưởng Albright tiến cử vào vị trí Thứ trưởng Các vấn đề về châu Phi năm 1997 và trở thành thứ trưởng trẻ nhất nước Mỹ. Quyết định này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các chính trị gia "lão làng" vì họ cho rằng Rice vẫn còn "lơ ngơ, trẻ người non dạ". Có người phỏng đoán Rice sẽ bị các đồng nghiệp nam lấn lướt hoàn toàn, thậm chí bà không được tôn trọng và chẳng khác nào bù nhìn rơm trong chính phủ.
Tất nhiên mọi dự đoán đều sai khi Susan Rice bộc lộ phong cách lãnh đạo rất cương trực, quyết đoán và khả năng thu hút đồng nghiệp bằng năng lực thuyết phục của một diễn giả tài năng. "Nhân viên không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với tôi theo cung cách chuyên nghiệp tôi đề ra. Tôi đại diện nước Mỹ và xứng đáng được tôn trọng vì những cống hiến cho nước Mỹ". Cho dù còn phải chịu nhiều nghi ngờ vô cớ từ dư luận nhưng Rice vẫn tỏ rõ uy lực, thuyết phục người khác phải lắng nghe, chấp thuận và cảm phục năng lực lãnh đạo của một người trẻ tuổi.
Susan Rice cũng từng làm việc cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Kerry và Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis. Bà nổi tiếng với tính cách mạnh mẽ và rất nhiệt thành ủng hộ chính sách đối ngoại của ông Obama trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Rice chủ trương tán thành việc Mỹ hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở Libya chống Gaddafi, và nhiều người cho rằng chính bà đã có tác động lớn trong việc khiến các thành viên Hội đồng Bảo an thông qua một nghị quyết cho phép quốc tế hành động.
Tổng thống Obama luôn khen ngợi bà Rice làm việc hết sức mẫu mực, thể hiện sự khéo léo, tài năng, sự bền bỉ và uyển chuyển trong công việc. Theo Leslie Gelb, nhà phân tích trên tờ Daily Beast, "sự pha trộn giữa mềm dẻo và cứng rắn của bà Susan Rice rất phù hợp với ghế ngoại trưởng". Chính bà là người đã đưa ra các dự thảo nghị quyết trừng phạt và can thiệp Libya, góp phần khiến chúng được thông qua tại Liên Hiệp Quốc dù thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama có vẻ miễn cưỡng hành động và bản thân ông Obama từng tuyên bố đây không phải là vấn đề lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của nước Mỹ.
Rice tiếp quản vị trí thuộc Ban chính sách đối ngoại của Học viện Brookings - một tổ chức phi lợi nhuận đóng trụ sở tại Washington D.C năm 2002. Bà tiến hành những cuộc điều tra độc lập, từ đó đề xuất những sáng kiến cho chính phủ về mảng đối ngoại của Mỹ. Rice nắm rõ tình hình của từng bang và những đe dọa an ninh quốc gia, hiểu cách thức hoạt động của khủng bố và các nhóm cực đoan. Bà được ông Barack Obama mời về làm cố vấn cấp cao trong chiến dịch tranh cử năm 2008 và sau đó trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc.
Sự nghiệp chính trị của Susan Rice khiến nhiều người liên tưởng tới Condoleezza Rice, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bush. Hai nữ chính trị gia gốc Phi là những chuyên gia đối ngoại hàng đầu, từng một thời tỏa sáng ở đại học với những tấm bằng xuất sắc cùng thành tích hoạt động đáng khâm phục. Tuy nhiên, hai bà Rice lại không hề có liên quan gia đình với nhau. Sự nhầm lẫn thú vị này thường xuyên xảy ra đến mức nghị sĩ đảng Dân chủ truyền tai nhau câu nói vui rằng: "Bậc tiền bối có bà Rice của họ, hậu bối chúng ta cũng có bà Rice của riêng chúng ta".
Còn nhiều chông gai
Để trở thành ngoại trưởng tiếp theo, ngoài việc nhận được sự đề cử của Tổng thống Obama, bà Rice còn cần giành được 60 phiếu ủng hộ ở Thượng viện. Tuy nhiên, đây sẽ là cửa ải không dễ dàng đối với bà vì nhiều thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã tuyên bố "sẽ làm mọi điều trong khả năng để ngăn cản bà Rice trở thành Ngoại trưởng Mỹ". Giới chính khách cũng nghi ngờ năng lực thực sự của Susan Rice bằng cách so sánh với những người tiền nhiệm. Họ đang nỗ lực để ngăn chặn việc một phụ nữ "yếu đuối và mờ nhạt" sẽ ngồi vào chiếc ghế ngoại trưởng đầy trách nhiệm.
"Tôi cho rằng Susan Rice sẽ khó lòng chiến thắng nếu không được những nhân vật quyền lực khác trợ giúp. Tôi sẽ không bỏ phiếu cho Rice nếu Thượng viện không điều tra kỹ lưỡng về tư cách và hoạt động chính trị của Rice một cách công khai nhất", nghị sĩ John McCain cho biết.
Năm 2002, tờ Washington Post tiết lộ: Bà Rice cùng cộng sự đã phá hủy cơ hội quý giá để vô hiệu hóa hoạt động của Bin Laden khi trùm khủng bố này ở Sudan giai đoạn những năm 1996-1997. Theo đó, phía Chính phủ Sudan và cựu Ngoại trưởng Albright đã sẵn sàng hợp tác tình báo nhằm tiêu diệt căn cứ của Bin Laden, tuy nhiên Rice lại bất ngờ yêu cầu Cố vấn An ninh quốc gia Sandy Berger bác bỏ mọi tuyên bố của bà Alright khiến thỏa hiệp rơi vào trạng thái "chờ" vô thời hạn.
Quả thực, các chính trị gia "đại thụ" phần lớn phủ quyết ý kiến đưa Rice vào vị trí của Hillary Clinton vì vấn đề năng lực và kinh nghiệm. Họ cho rằng, bà Rice mắc bệnh ảo tưởng, không nhận được lòng tin dư luận, đồng thời sở hữu phong cách lãnh đạo yếu kém và đánh giá thiếu chín chắn. Susan Rice do đó thích hợp làm một nhà hoạt động chính trị hơn là đại diện ngoại giao của Mỹ. Đặc biệt, sau sự kiện đại sứ Mỹ tại Benghazi bị ám sát hôm 11/9/2012, khả năng bổ nhiệm bà Rice cũng bị tác động phần nào.
Rice đã mô tả đây là một cuộc nổi dậy đơn thuần của những người biểu tình sau khi bộ phim phỉ báng đạo Hồi bị phát hiện tại Mỹ. Mặc dù chỉ dựa trên các kết luận của Cơ quan Tình báo Mỹ vào thời điểm đó, nhưng cá nhân bà vẫn không thể tránh khỏi chỉ trích không tiếc lời từ phía đảng Cộng hòa vì cách chính quyền Obama xử lý tình huống. Qua đó, giới chính khách bắt đầu bày tỏ sự lo ngại về năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo của Susan Rice khi cho rằng, bà chỉ làm tốt nhiệm vụ của một nhà hoạt động chính trị thay vì một đại diện ngoại giao quốc gia.
Rice còn bị "tê liệt" vì vụ thảm sát ở Benghazi, chịu chỉ trích gay gắt từ Thượng nghị sĩ John McCain về phát biểu thiếu suy nghĩ trước cái chết của Đại sứ Chris Stevens và ba người dân Mỹ. Tuy nhiên, ngày 14/11 vừa qua, trong buổi họp báo đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, ông Obama đã bảo vệ Susan Rice khi thẳng thừng yêu cầu John McCain chấm dứt "thêm dầu vào lửa" vì mọi phát biểu của bà Rice được dựa trên những thông tin tốt và chính xác nhất thời điểm đó.
Thậm chí Tổng thống còn giận dữ tuyên bố: "Nếu Thượng nghị sĩ McCain và những người khác muốn cản trở ai đó, họ sẽ phải qua cửa ải của tôi trước đã. Và tôi rất hân hạnh được tranh luận với họ".
Giới phân tích cho rằng, qua việc bảo vệ trên, ông Obama dường như đang quyết tâm cân nhắc đưa bà Rice vào vị trí của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bởi lẽ với Tổng thống, Susan Rice là kiến trúc sư chiến lược hành động Mỹ đã được lựa chọn trong nhiều vấn đề chiến sự quan trọng. Hình ảnh nhân vật này khá ghê gớm trên chính trường Mỹ, phản ánh tư chất một nhà lý luận chính trị của quốc gia theo đuổi mục tiêu bá chủ địa cầu.
Tuy nhiên, ưu tiên của ông Obama đang làm khó người Nga. Một nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Moskva coi Susan Rice là mẫu người quá tham vọng và hiếu chiến, có thể làm cho quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moskva khó khăn. Trong bối cảnh này, phía Nga có vẻ ưu ái đối thủ lớn nhất của bà Rice là Thượng nghị sĩ bang Massachusetts John Kerry cho vị trí ngoại trưởng.
Về vấn đề này, bà Malou Innocent, một nhà phân tích chính sách ngoại giao của Viện Cato ở Washington , cho biết: "Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp xoay quanh những mâu thuẫn về năng lực của Susan Rice. Dù vậy, bà ấy vẫn là ứng viên hàng đầu cho chức vụ ngoại trưởng và chúng ta cần phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong quá trình chuẩn thuận ở Thượng viện trong thời gian sắp tới"…